Giám đốc ADB: 'Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân'

Thứ hai, 28/06/2021 09:43

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng ngoài hoãn thuế và tiền thuê, Chính phủ nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 là rủi ro lớn nhất đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Trao đổi với Zing, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên mua vaccine và triển khai tiêm chủng.

Ngoài ra, ông Jeffries cho rằng Việt Nam nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng, đồng thời theo dõi chặt chẽ lạm phát và những rủi ro tài chính.

Về dài hạn, theo Giám đốc Quốc gia ADB, Việt Nam cần phát triển khu vực tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường vốn, chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng nhằm đảm bảo tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Giám đốc ADB: Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân - Ảnh 1.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới là rủi ro lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Ảnh.

Đối phó với rủi ro lớn nhất

- Theo ông, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 và 2022?

- Bất chấp đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới đây, triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo rất mạnh mẽ vào năm 2021. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại chính của Việt Nam - sẽ thúc đẩy xuất khẩu và ngành sản xuất định hướng xuất khẩu.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2021, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 30% và 36% so với cùng kỳ năm 2020 (theo báo cáo tháng 5 của GMS). Các dịch vụ thương mại điện tử, y tế, ngân hàng và tài chính được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng trong khu vực dịch vụ - một động lực tăng trưởng khác vào năm 2021.

Việc ngăn chặn thành công dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Từ tháng 1 đến tháng 5/2021, vốn FDI đăng ký mới duy trì ở mức 14 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020 (báo cáo tháng 5 của GSO).

Các biện pháp tài khóa và tiền tệ phù hợp cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là đại dịch Covid-19.

Giám đốc ADB: Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân - Ảnh 2.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Tình hình đã thay đổi nhanh chóng kể từ dự báo cuối cùng của ADB hồi tháng 4. Vấn đề đáng lo ngại là dịch lây lan nhanh tại một số khu công nghiệp, có thể tác động đến thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Thêm vào đó, tốc độ phục hồi nhanh tại Mỹ và Trung Quốc cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, khiến lạm phát gia tăng.

Tiến độ tiêm chủng chậm có thể kéo tụt tăng trưởng trong trung và dài hạn. Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng về tiêm chủng. Chẳng hạn, 3% dân số Philippines đã được tiêm một liều vaccine và 1% tiêm hai liều. Trong khi đó, chưa đến 1% dân số Việt Nam được tiêm chủng và hầu hết mới tiêm một liều.

- Ông đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ kinh tế trước đó đối với doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19? Theo ông, Việt Nam gặp phải những khó khăn gì trong việc triển khai các gói hỗ trợ?

Với nền tảng kinh tế cơ bản mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với các tác động kinh tế của đại dịch. Điều đó giúp đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ phù hợp thông qua cắt giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng và những biện pháp hỗ trợ tài khóa đã mang lại không gian thở cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, các gói tín dụng được thực hiện chủ yếu thông qua ngân hàng thương mại. Họ phải cáng đáng phần lớn gánh nặng nợ gia tăng của người đi vay, dù không thể hạ thấp tiêu chuẩn cho vay. Đáng nói, bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ngày càng tệ đi.

Do tác động của dịch Covid-19, du lịch suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất và kinh doanh lao dốc tạo áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó đè nặng chất lượng tài sản của ngân hàng.

Các nhà băng đang tái cơ cấu khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng và vẫn giữ nguyên những khoản vay này trong nhóm phân loại như trước khi tái cơ cấu.

Những biện pháp cứu trợ tín dụng tạm thời của ngân hàng cho phép hoãn trả nợ đối với các khách hàng đang gặp khó khăn, trong tình trạng bấp bênh hoặc đối mặt với rủi ro vỡ nợ gia tăng do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo thời gian, điều đó có thể tạo áp lực lên khu vực tài chính.

Giám đốc ADB: Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân - Ảnh 3.

Một cửa hàng trên đường Đồng Khởi, quận 1 (TP.HCM) cửa đóng then cài. Dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch của Việt Nam suy giảm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Do đó, nên dần loại bỏ các biện pháp hoãn trả nợ theo quy định. Những rủi ro tài chính cần được giám sát chặt chẽ, giải quyết kịp thời các khoản vay có vấn đề và tăng cường vốn hóa của ngân hàng.

Ngoài ra, dù gói tài khóa đã được công bố kịp thời, hỗ trợ vẫn chủ yếu dưới hình thức hoãn thuế và tiền thuê đất. Quy mô hỗ trợ tài khóa còn khiêm tốn so với các quốc gia khác (hỗ trợ tài khóa lên tới 15-20% GDP như ở Pháp, Anh, Singapore).

Đối với một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh thu giảm sút, lợi nhuận bằng 0, việc hoãn thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp thực chất có ít tác động hơn so với những biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp.

Trong khi đó, tiến độ thực hiện chương trình an sinh xã hội thông qua chuyển tiền còn chậm. Nguyên nhân là thiếu hệ thống giải ngân riêng và các tiêu chí lựa chọn chưa được thiết kế tốt.

- Theo ông, Việt Nam nên đưa ra thêm các gói hỗ trợ như thế nào để giúp nền kinh tế chống chịu với những tác động từ đợt bùng phát dịch Covid-19 mới?

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng gia hạn thực hiện những biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2021. Chính phủ cũng gia hạn hoãn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 nhằm giảm tác động của cú sốc và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Một chiến lược dài hạn, bền vững hơn là giúp người nghèo và những đối tượng dễ tổn thương đa dạng hóa sinh kế, chẳng hạn đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính vi mô để thành lập doanh nghiệp mới

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB


Chính phủ cũng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế về dài hạn. Trong số đó, các ưu tiên kinh tế dài hạn hậu đại dịch là những yêu cầu cấp bách, nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài - vốn đã trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây.

Thứ hai là xây dựng một nền kinh tế rộng khắp, giúp giảm thiểu tác động từ những cuộc khủng hoảng bên ngoài. Cuối cùng, nền kinh tế kỹ thuật số có thể giúp gia tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Một nghiên cứu của ADB chỉ ra dịch Covid-19 có tác động đáng kể đến thu nhập và tình trạng nghèo đói của các hộ gia đình Việt Nam. Chẳng hạn, tác động của đại dịch sẽ kéo tụt thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%.

Nhóm thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm thu nhập 10,2%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của các gia đình trong nhóm thu nhập thấp nhất tăng 40%. Sẽ có thêm 1,7 triệu người nghèo do đại dịch. Những người sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trao tiền mặt theo Nghị quyết 42 nên là một giải pháp ngắn hạn nhằm giải quyết cú sốc thu nhập. Việc này cũng mang lại lợi ích kép, giúp đỡ những người cần giúp đỡ và kích thích tiêu dùng, từ đó hỗ trợ nền kinh tế.

Một chiến lược dài hạn, bền vững hơn là giúp người nghèo và những đối tượng dễ tổn thương đa dạng hóa sinh kế, chẳng hạn đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính vi mô để thành lập doanh nghiệp mới.

Rủi ro bong bóng được giảm thiểu

- Việc nới lỏng tài khóa và tiền tệ thường gây ra rủi ro về sự tăng giá bất thường của một số thị trường như chứng khoán, bất động sản và tiền mã hóa. Việt Nam có đối mặt với nguy cơ bong bóng hay không?

- Lĩnh vực bất động sản được dự báo tăng trưởng ổn định vào năm 2021. Mức giải ngân đầu tư công kỷ lục trong năm 2020 - tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt khoảng 90% kế hoạch năm 2020 - sẽ hỗ trợ việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn vào năm 2021 và giúp thúc đẩy nhu cầu bất động sản.

Trong năm 2020, NHNN đã ba lần cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống mức thấp kỷ lục 4%, lãi suất chiết khấu từ 4% xuống 2,5%. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng và hỗ trợ chi tiêu cho bất động sản nhà ở.

Việc cải thiện các quy định, chẳng hạn sửa đổi Luật Xây dựng nhằm đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp phép xây dựng, sẽ thúc đẩy những dự án xây dựng và bất động sản.

Dòng vốn FDI ổn định cũng góp phần gia tăng nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới trong 5 tháng đầu năm 2020. Bất chấp đợt bán tháo lịch sử từ các nhà đầu tư nước ngoài (ước tính 25.000 tỷ đồng từ tháng 1-5/2021), sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước (từ 20.000 tài khoản vào tháng 2/2020 lên hơn 100.000 tài khoản trong tháng 4/2021) đã giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm.

Giám đốc ADB: Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân - Ảnh 4.

Trong năm 2020, NHNN đã ba lần cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống mức thấp kỷ lục 4%. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, bất chấp những sự gia tăng kể trên, rủi ro bong bóng tài sản đã được giảm thiểu. NHNN kiểm soát dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, giúp hạn chế đầu cơ vào những lĩnh vực này.

Ngoài ra, đà tăng của thị trường chứng khoán hiện tại không giống bong bóng chứng khoán hồi năm 2008. Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước vào khả năng ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh của Chính phủ.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư tin rằng sự lao dốc hiện tại của nền kinh tế không phải do những vấn đề cơ cấu. Kinh tế ​​sẽ phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn và trung hạn, nhất là khi chính phủ quyết tâm thực hiện chương trình tiêm chủng kịp thời và thành công trong năm 2021.

- Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong việc giữ đà tăng trưởng và đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính, thưa ông?

- Trong năm 2021, tiêm vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời không chỉ là các biện pháp sức khỏe. Đó còn là những chính sách kinh tế quan trọng để duy trì thu nhập và động lực tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đã xác định đúng việc mua vaccine và tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu của năm 2021.

Bất chấp những sự gia tăng kể trên, rủi ro bong bóng tài sản đã được giảm thiểu. NHNN kiểm soát dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, giúp hạn chế đầu cơ vào những lĩnh vực này

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB


Hỗ trợ tài chính bổ sung cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng tại khu công nghiệp sẽ giúp bảo vệ các trung tâm công nghiệp của Việt Nam khỏi tác động kinh tế từ đại dịch, duy trì sản xuất những chuỗi giá trị - vốn là động lực chính cho tăng trưởng.

Trong khi đó, lạm phát cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2021, lạm phát bình quân ở mức 1,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng thấp nhất cùng kỳ kể từ năm 2016, phần lớn do nhu cầu giảm.

Tuy nhiên, lạm phát tăng mạnh vào tháng 4 và tháng 5 do giá nhiên liệu tăng cao. Trên toàn cầu, giá hàng hóa leo thang và lo ngại lạm phát bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia, nhất là những quốc gia đang phục hồi sau đại dịch.

Nợ xấu có thể ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa, nhất là đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Về trung và dài hạn, Việt Nam nên cân nhắc thực hiện nhiều "đầu tư xanh" hơn để đảm bảo "tăng trưởng xanh". Tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.

Phát triển khu vực tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường vốn, chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng đều rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn.

Theo Thảo Cao (zingnews.vn)

Gửi bình luận

Panasonic trồng rừng, góp phần tăng cường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Panasonic trồng rừng, góp phần tăng cường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Doanh nhân 09:07

Hơn 100 nhân viên Panasonic tại Việt Nam đã trồng và trao tặng 15.000 cây trong chương trình “Tiếp sức sinh thái” tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa, nhằm phục hồi và phát triển rừng đặc dụng.

Công ty Qui Phúc nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Công ty Qui Phúc nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Doanh nhân 13:25

Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận những thành tích xuất sắc của Công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác từ thiện xã hội.

TP HCM: Các dự án giao thông chậm tiến độ do giá cát san lấp tăng cao

TP HCM: Các dự án giao thông chậm tiến độ do giá cát san lấp tăng cao

Vật tư 11:30

Cát dùng để san lấp không chỉ khan hiếm mà giá còn tăng vọt từ 190.000/m³ lên 285.000/m³ chưa thuế GTGT tại khu vực TP.HCM khiến nhiều dự án giao thông gặp khó, nguy cơ bị chậm tiến độ.

Trải nghiệm loạt tiện ích mới trên ứng dụng ngân hàng số MSB mBank

Trải nghiệm loạt tiện ích mới trên ứng dụng ngân hàng số MSB mBank

Doanh nhân 08:33

Với mục tiêu không ngừng cải tiến và mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính thuận ích, đặc biệt trên môi trường số, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) ra mắt thêm nhiều tính năng mới và trải nghiệm miễn phí trên ứng dụng ngân hàng điện tử MSB mBank.

Khu vực sôi động nhất thủ đô “đón sóng”

Khu vực sôi động nhất thủ đô “đón sóng”

Dự án 22:08

Bước sang năm 2024, chung cư tiếp tục là phân khúc “vàng” khi có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, ghi nhận lượng quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu ở thực, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội.

ScaleUP được quỹ Nextrans đầu tư

ScaleUP được quỹ Nextrans đầu tư

Doanh nhân 11:29

ScaleUP - đơn vị cung cấp giải pháp kinh doanh thương mại điện tử cho biết đã nhận được đầu tư vòng hạt giống từ quỹ Nextrans (Hàn Quốc).

Chuyên gia: Thị trường nhà ở qua giai đoạn khó khăn nhất

Chuyên gia: Thị trường nhà ở qua giai đoạn khó khăn nhất

Thị trường 09:22

Thị trường nhà ở Việt Nam đang trên đường hồi phục nhưng vẫn nhiều thách thức về nguồn cung, theo các chuyên gia.

Cảng Quốc tế Long An được đánh giá cao khi là diễn giả tại hội nghị Philippine Ports and Logistics 2024

Cảng Quốc tế Long An được đánh giá cao khi là diễn giả tại hội nghị Philippine Ports and Logistics 2024

Dự án 08:06

Lãnh đạo Dongtam Group và Lãnh đạo OPASCOR chứng kiến Nghi thức ký kết Ý định Thư giữa Cảng Quốc tế Long An, Việt Nam và Oriental Port and Allied Services Corporation (OPASCOR), Philippines chiều 21/3/2024

DKSH nâng cấp phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

DKSH nâng cấp phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Doanh nhân 12:15

Ngành kỹ thuật công nghệ của DKSH vừa hoàn thiện nâng cấp phòng thí nghiệm thiết bị khoa học tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP HCM.

Ký kết hợp tác toàn diện triển khai dự án căn hộ cao cấp tại Nha Trang

Ký kết hợp tác toàn diện triển khai dự án căn hộ cao cấp tại Nha Trang

Dự án 17:26

Ngày 18-3, Lễ ký kết hợp tác toàn diện để triển khai dự án căn hộ cao cấp (Nha Trang, Khánh Hoà) đã diễn ra tại GEM Center TP HCM.

XEM THÊM