Chuyển phát mùa dịch, không chỉ shipper có nỗi niềm

06/07/2021 11:00 GMT+7

Dịch bệnh cùng các chỉ thị giãn cách đã tạo cú hích cho sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử cùng ngành giao nhận, chuyển phát. Người ta kêu đây là thời của shipper và các công ty giao nhận. Nhưng bên cạnh cơ hội vẫn tồn tại đâu đó vẫn là nỗi niềm của shipper và hàng ngàn thách thức của doanh nghiệp.

"Thời" của shipper, nỗi niềm của shipper

Có một thời gian báo chí xuất hiện nhan nhản những tin tức về những cử nhân bỏ bằng đi chạy xe ôm công nghệ, hay những lợi thế mà nghề shipper mang lại cho những lao động phổ thông với các ưu điểm về sự linh hoạt giờ giấc và nguồn khách hàng trẻ. Khi dịch bệnh ập đến, những cửa hàng kinh doanh ăn uống và thực phẩm nhỏ lẻ cũng bắt đầu lên app (ứng dụng), nhu cầu mua sắm online và đặt đồ ăn từ dân văn phòng tăng lên chóng mặt, người ta đùa nhau "thời" của shipper đã đến.

Chuyển phát mùa dịch, không chỉ shipper có nỗi niềm - Ảnh 1.

Thế nhưng, có thực sự shipper là nghề đang ăn nên làm ra trong thời điểm này? Câu trả lời là không hoàn toàn đúng như vậy.

Ở những đợt dịch trước, thời gian giãn cách và sự ảnh hưởng kinh tế chưa nặng nề, shipper có thể có nguồn thu nhập tốt và ổn định. Tuy nhiên, với các đợt dịch liên tục tại những thành phố trọng điểm như Đà Nẵng, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, cùng sự xuất hiện của các biến chủng mới, shipper lại là nhóm ngành mang nhiều nỗi niềm. Trong bối cảnh người dân hạn chế ra đường và tiếp xúc như hiện nay, nhóm shipper được xem là nhóm ngành nghề tương đối nguy hiểm. Họ tiếp xúc nhiều lượt người mỗi ngày.

"Thời điểm này không ai muốn ra đường vì dễ lây bệnh, nhưng ở nhà thì không có thu nhập, tụi tui phải đánh đổi. Anh em nhắc nhau mang khẩu trang, nước sát khuẩn, có gì thì xịt vô tay, vô hàng rồi giao cho khách. Cũng chỉ biết làm vậy thôi" – Anh Nguyễn Quang Tùng, một shipper tại Hà Nội cho biết.

"Mỗi ngày em lấy hàng ở nhiều chỗ, gặp nhiều người, cũng không biết chắc được họ có phải trong vùng nguy cơ không?" – một sinh viên làm thêm dịch vụ vận chuyển tại Quận 1, TP HCM chia sẻ.

Doanh nghiệp cũng trăm mối tơ vò

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện doanh nghiệp có tham gia các hoạt động vận chuyển cho biết dịch bệnh kéo dài đang khiến công ty chịu nhiều tổn thất. Khó khăn tập trung chủ yếu ở phần vận hành nội bộ và quản lý nhân sự.

"Với đặc thù ngành, chúng tôi không thể cho 100% nhân viên làm việc tại nhà. Chính vì thế, tâm lý làm việc của đội ngũ cũng không hoàn toàn thoải mái, không ai muốn ra đường vào thời điểm như thế này cả. Đó là sự thực mà bản thân là chủ doanh nghiệp chúng tôi cần phải nhìn nhận. Tuy nhiên, công ty không thể ngừng vận hành được. Việc tổ chức nhân sự và vận hành như thế nào để vừa đảm bảo kết quả kinh doanh và đảm bảo an toàn là một bài toán đau đầu".

Chuyển phát mùa dịch, không chỉ shipper có nỗi niềm - Ảnh 2.

Đã xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa do shipper đình công trong mùa dịch

Đặc biệt, một trong những khó khăn của ngành giao nhận và chuyển phát nhanh chính là cam kết chất lượng và thời gian giao hàng. "Dịch bệnh là bất khả kháng nhưng uy tín và chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đội ngũ nhân viên giao nhận mỗi ngày tiếp xúc hàng trăm đối tác, khách hàng, khả năng họ thuộc các ca nghi nhiễm hoặc trường hợp liên quan rất cao. Chỉ cần một trường hợp xảy ra thì lại phải ngừng hoạt động, kiểm tra lịch trình và thực hiện sát khuẩn. Đơn hàng cứ thế sẽ bị ùn ứ, chưa kể hư hao. Lúc ấy lại trễ đơn hàng, khách hàng không hài lòng, đối tác không vui vẻ."

Trước các khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động gặp phải, các chuyên gia cho rằng để đảm bảo chất lượng kinh doanh đồng thời an toàn cho đội ngũ nhân viên của mình, các công ty nên linh hoạt trong vận hành, có các phương án dự trù và thay thế cho tất cả tình huống có thể xảy ra để không bỡ ngỡ khi gặp phải.