Thu hồi đất để triển khai hơn 1.500 dự án

08/02/2022 10:35 GMT+7

Với 180 dự án được bổ sung mới có tổng diện tích khoảng 1.040ha, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) của tỉnh năm 2022 được ban hành vào đầu tháng 1 vừa qua sẽ là cơ sở để các địa phương thực hiện công tác thu hồi đất để triển khai các dự án.

Thu hồi đất để triển khai hơn 1.500 dự án - Ảnh 1.

Theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2022, TP.Biên Hòa sẽ triển khai 295 dự án trên các lĩnh vực. Ảnh: H.Giang

Theo kế hoạch SDĐ năm 2022, các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh sẽ thực hiện khoảng 1.521 dự án trên các lĩnh vực. Trong đó, địa phương sẽ triển khai nhiều dự án và có diện tích đất phải thu hồi lớn là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch.

* Gấp rút thu hồi đất cho các dự án

Các dự án muốn triển khai phải có quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành (dự án đầu tư công thêm điều kiện được phân bổ vốn đầu tư trung hạn). Các huyện, thành phố căn cứ vào những yêu cầu trên và lộ trình thực hiện các dự án để đưa vào kế hoạch SDĐ hằng năm để làm các thủ tục về đất đai. Theo quy định, dự án đưa vào kế hoạch SDĐ quá 3 năm không triển khai sẽ bị thu hồi. Vì thế, trong năm 2022, nhiều địa phương phải gấp rút thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để các chủ đầu tư có đất sạch khởi công dự án theo đúng tiến độ.

Năm 2022, Đồng Nai triển khai 1.521 dự án, nhưng trong đó có đến 1.339 dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua, trong đó có hơn 1,3 ngàn dự án đã đưa vào kế hoạch SDĐ từ 3 năm trở lên. Việc triển khai các dự án ở Đồng Nai gặp nhiều khó khăn ở khâu quy hoạch, bồi thường, tái định cư và thu hồi đất của người dân. Đặc biệt là những dự án có diện tích đất lớn cần thu hồi, khâu bồi thường có thể kéo dài từ 3-6 năm.

Trưởng phòng TN-MT H.Long Thành Nguyễn Hoàng Nghĩa cho biết: "Quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất cho các công trình, dự án thường kéo dài do vướng ở một số khâu như: đất chuyển nhượng bằng giấy tay, người dân chưa đồng tình với giá bồi thường, chủ đầu tư chậm chuyển tiền bồi thường. Bên cạnh đó, các thủ tục trong thu hồi đất đai cho các công trình, dự án cũng rất phức tạp nên dự án phải thu hồi nhiều đất của người dân thường kéo dài".

Tại Đồng Nai, đa số các dự án đều phải thu hồi đất của người dân nên có những dự án vướng vào bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài 6-10 năm. Mặc dù, các dự án đều thuê đơn vị tư vấn để định giá đất bồi thường, nhưng hơn 3 năm trở lại đây, đất ở Đồng Nai tăng cao vì có nhiều công trình hạ tầng giao thông đã, đang và sắp triển khai.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh đánh giá: "Trong quá trình thực hiện các công trình, dự án, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất là khó khăn và kéo dài nhất. Đa số người dân khiếu nại ở giá đất bồi thường và dự án kinh doanh nên để doanh nghiệp thỏa thuận giá đất với người dân. Bên cạnh đó, đất đai Đồng Nai những năm gần đây được mua bán, chuyển nhượng qua tay nhiều người nên việc xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian".

Cũng theo ông Quế, năm 2022, các địa phương đều phải gấp rút hoàn thành thủ tục thu hồi đất cho nhiều dự án quan trọng của quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, xã. Vì dự án đưa vào kế hoạch SDĐ quá 3 năm không triển khai sẽ phải thu hồi.

* Sẽ điều chỉnh bổ sung kế hoạch SDĐ

Kế hoạch SDĐ được phê duyệt hằng năm, căn cứ vào quy hoạch SDĐ cấp huyện của giai đoạn để thực hiện. Mỗi năm, vào cuối quý III, các địa phương bắt đầu rà soát những công trình, dự án sẽ triển khai cho năm sau để đưa vào kế hoạch, cuối năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, năm 2022, quy hoạch SDĐ giai đoạn

2021-2030 chậm phê duyệt nên có những công trình, dự án chưa phù hợp quy hoạch, tới đây sẽ phải chỉnh sửa, bổ sung để thực hiện.

Trong năm 2022, Đồng Nai triển khai nhiều dự án lớn quan trọng nên các địa phương sẽ căn cứ vào kế hoạch SDĐ để sớm hoàn thành thủ tục đất đai, hạn chế cuối năm phải hủy bỏ nhiều dự án vì quá thời hạn.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức lưu ý: "Các dự án đưa vào kế hoạch SDĐ phải phù hợp quy hoạch, hiện quy hoạch SDĐ giai đoạn

2021-2030 đã được phê duyệt và tới đây quy hoạch quốc gia, tỉnh được phê duyệt sẽ phải rà soát lại các dự án trên địa bàn để bổ sung hoặc hủy bỏ những dự án không còn phù hợp". Như vậy, những dự án chuyển tiếp từ các năm trước qua kế hoạch SDĐ năm 2022, nếu không còn phù hợp quy hoạch sẽ bị loại bỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: "Năm 2022, tỉnh sẽ cho tách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để thực hiện nhanh. Theo đó, kế hoạch triển khai các dự án phải sửa lại gắn với tiến độ, kế hoạch SDĐ hằng năm để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương chú ý hoàn tất thủ tục đưa các khu đất có lợi thế đã đưa vào kế hoạch SDĐ năm 2022 đưa ra đấu giá có thêm nguồn vốn đầu tư các công trình".