VCIC Connect kết nối doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu

12/06/2020 08:38 GMT+7

Ngày 11-6, Hội thảo giới thiệu Chương trình VCIC Connect "Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế" đã được Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) và Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức.

Chương trình VCIC Connect "Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm các đối tác chiến lược về công nghệ, tài chính và thương mại.

VCIC Connect kết nối doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc VCIC, cho biết Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mới đây là EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao thương, đầu tư quốc tế.

Trong xu hướng này, chương trình VCIC Connect "Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế" sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận và kết nối với các đối tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, thương mại, đầu tư để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường và thu hút đầu tư theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn và lập hồ sơ, bản chào dự án tiềm năng.

Trong thời gian đầu, chương trình VCIC Connect sẽ được thí điểm ở 2 thị trường Úc, Hàn Quốc và sau đó sẽ mở rộng ra các thị trường khác như EU, ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có công nghệ, tiềm năng, có thể mời gọi đầu tư ở nước ngoài…

Theo tìm hiểu, để được lựa chọn và tham gia vào chương trình VCIC Connect tại Úc hoặc Hàn Quốc, doanh nghiệp sẽ trải qua 6 bước gồm đăng ký chương trình; tiếp nhận, đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá; thông báo cho các doanh nghiệp được lựa chọn; hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ, bản chào dự án và cuối cùng là tham gia đoàn kết nối tại Hàn Quốc hoặc Úc.

"Sau hơn 1 tuần triển khai chương trình này, VCIC ghi nhận số lượng doanh nghiệp lớn đăng ký nhiều hơn cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy nhu cầu thúc đẩy sản xuất trong nước và vươn tầm quốc tế là thiết yếu" - ông Phạm Đức Nghiệm cho hay.