Cần minh bạch khi xử phạt Ban Quản trị chung cư

13/04/2018 15:25 GMT+7

Ban quản trị (BQT) chung cư có thể bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng nếu sử dụng phí bảo trì sai quy định, tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung hay tự quyết định nhiều vấn đề phải thông qua hội nghị nhà chung cư.

Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng

Từ ngày 15-1-2018, Nghị định 139 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà... chính thức có hiệu lực.

Đặc biệt, trong Nghị định này, đã quy định xử phạt luôn cả hoạt động của ban quản trị chung cư.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 66 của nghị định này, quy định phạt tiền 50 tới 60 triệu đồng khi ban quản trị chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư; tự quyết định lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư…

Đây được xem là một nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tế khi đã có quá nhiều trường hợp ban quản trị chung cư sau khi bầu lên đã "tự tung tự tác", sử dụng kinh phí đóng góp của cư dân một cách thiếu hợp lý, minh bạch, gây bức xúc trong cộng đồng cư dân.

Tuy nhiên trên thực tế, chế tài này cũng đang khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi, đó là quy định trách nhiệm thế nào, và xử phạt ra sao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng một khi đã đưa vào Nghị định, Chính phủ cần quy định rõ luôn từng trường hợp là phạt ban quản trị hay từng cá nhân có vi phạm. Bởi nếu là phạt cả ban quản trị thì sẽ phải lấy tiền của tập thể, còn là cá nhân thì phải bỏ tiền riêng.

"Chúng tôi đề nghị nên cá thể hoá chủ thể vi phạm. Nếu chủ thể vi phạm là ông trưởng ban thì ông này phải lấy tiền túi ra đền, còn nếu người ta đã thực hiện đầy đủ nghị quyết của hội nghị chung cư, đúng theo chương trình kế hoạch được thông qua nhưng vẫn sai phạm thì mới được lấy tiền của cư dân để đóng", ông Châu nói.

Cần minh bạch khi xử phạt Ban Quản trị chung cư - Ảnh 1.

Việc đưa ra chế tài xử phạt sẽ hạn chế tình trạng lạm quyền của ban quản trị chung cư

Cũng theo ông Châu, ngay cả đối với các doanh nghiệp, khoản tiền phạt vi phạm hành chính cũng không được tính vào chi phí hợp lý hợp pháp, cấu thành giá của doanh nghiệp. Về cơ bản, ban quản trị chung cư cũng hoạt động như một mô hình doanh nghiệp, thế nên, về nguyên tắc, không thể lấy quỹ bảo trì của chung cư ra để đóng những khoản tiền phạt này.

Nên quy định cụ thể từng trường hợp

Đại diện một công ty quản lý bất động sản cho biết hiện nay, việc xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm, gây mất an toàn trong chung cư chưa quy định đến việc phạt từng cá nhân cụ thể. Điều này khiến cho nhiều người có tâm lý "cha chung không ai khóc", vô tư vi phạm hoặc nhìn người khác vi phạm mà chẳng có phản ứng gì.

Riêng với chế tài xử phạt ban quản trị, vị này cho rằng, cần phải xem xét mức độ vi phạm để đưa ra khung hình phạt cụ thể.

"Chẳng lẽ một anh vi phạm số tiền 5 triệu cũng bị xử phạt giống như anh 500 triệu hay sao. Có những trường hợp chuyển đổi công năng của dự án là do yêu cầu từ phía chủ đầu tư, ban quản trị dù có muốn cũng không ngăn cản được… thì cũng phải làm rõ vai trò của từng chủ thể chứ không thể đổ đồng quy định phạt", vị này nói.

Trong khi đó, một chuyên gia bất động sản cho rằng, trên thực tế, hiện nay, việc thành lập ban quản trị chung cư tại nhiều nơi là không hề dễ dàng.

Điều này xuất phát từ tâm lý thờ ơ của cư dân, dẫn tới việc, có chung cư dù tổ chức hội nghị nhà chung cư 2, 3 lần nhưng đều không thành công do không đủ số lượng đại diện căn hộ tham gia. Ví dụ điển hình nhất, chính là chung cư Carina Plaza (quận 8), khi dự án đã đi vào hoạt động được gần 6 năm mà vẫn chưa có ban quản trị, dù chủ đầu tư đã tiến hành tổ chức đại hội 2 lần.

Thậm chí, ở một vài chung cư, việc không bầu được ban quản trị lại xuất phát từ việc đấu đá nội bộ của cộng đồng cư dân. Có những ban quản trị, mới chỉ bầu lên được vài tháng thì lại bị phản ứng, yêu cầu bãi nhiệm để bầu ra ban quản trị mới.

"Việc đưa ra chế tài xử phạt là điều cần thiết, nhưng cần phải quy định cụ thể. Bởi nếu không tính những người vào ban quản trị để tư lợi, chế tài xử phạt này sẽ khiến những người tâm huyết, mong muốn vào ban quản trị để đóng góp xây dựng chung cư lo ngại, bởi một khi đã làm việc tập thể, ai dám chắc mình không có sai sót gì. Từ đó, việc thành lập ban quản trị chung cư đã khó lại càng thêm khó, và điều này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cư dân", vị này nhận xét.