Nhà ở cho công nhân cần hướng tới nhu cầu thực

27/12/2018 11:32 GMT+7

Nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội nói chung cần có một hướng tiếp cận từ nhu cầu của người ở, không phải theo một khuôn mẫu như hiện nay.

Nhu cầu về nhà ở công nhân ngày một tăng

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12-2017, cả nước có tổng số 360 khu công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động, tạo ra làn sóng dịch cư lớn từ nông thôn ra đô thị. Việc tạo lập và cải thiện môi trường sống của công nhân trở thành một áp lực lớn đối với Chính phủ và các địa phương trên cả nước.

Nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) hiện nay ngày càng lớn, đặc biệt là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN). Nhu cầu diện tích NOXH của những năm trước chưa thực hiện hết, lại gánh thêm nhu cầu mới tăng dần theo từng năm.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án NOXH cho công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân; 72% nhu cầu còn lại sẽ tiếp tục hy vọng chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.

Nhà ở cho công nhân cần hướng tới nhu cầu thực - Ảnh 1.

Nơi ở chật hẹp của người lao động Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Phương Thoa)

Câu chuyện phổ biến công nhân KCN đang trong tình trạng “5 không”: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Phát triển NOXH giờ đây không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu nơi ở mà còn cả nhu cầu xã hội rộng lớn hơn đi kèm.Ngay cả trong các trung tâm đầy tiềm năng như thành phố thành phố Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn TPHCM mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu.

Bên cạnh việc thiếu hụt nhà ở đạt chuẩn, công nhân còn phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khác như tính bất ổn trong công việc, thu nhập thấp…

Thay đổi hướng tiếp cận

Theo Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20-30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70-80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, đạt khoảng trên 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020 (cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội). Một trong những khó khăn hiện nay là thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi.

TS Phạm Đình Tuyển, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, chúng ta đã có chiến lược phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, vấn đề ở đây là thực hiện. Không có một tỉnh, thành phố nào công khai quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội mặc dù quy định là 20% đất của dự án thương mại dành cho nhà ở xã hội. Điều này cần minh bạch để người dân giám sát.

“Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cần một cách tiếp cận khác, hiện nay việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang làm theo một quy trình ngược. Đưa ra một khuôn mẫu có sẵn áp dụng ở các địa phương, không chú ý đến nhu cầu của người công nhân. Tình trạng nhà ở công nhân xây xong không có người vào ở, vào thuê không hiếm ở các địa phương” - TS. Phạm Đình Tuyển nói

Với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM quỹ đất hạn hẹp, xây dựng nhà ở cho công nhân là các chung cư là hợp lý, nhưng với những địa phương quỹ đất còn nhiều, có thể phân đất theo lô, xây dựng nhà ở thấp tầng cho công nhân… Người công nhân sẽ lo liệu tài chính tự xây nhà đây là điều ở các vùng mỏ của tỉnh Quảng Ninh đã làm từ nhiều năm trước. Như vậy là có sự hỗ trợ của Nhà nước và có đóng góp của chính những công nhân, TS Phạm Đình Tuyển phân tích thêm.

Chủ trương, chính sách và chương trình phát triển NOXH tại Việt Nam là nhất quán và rõ ràng, được thể hiện trong Hiến pháp 2013; Luật Nhà ở năm 2014, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NOXH.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong giai đoạn 2011-2020 phải xây dựng khoảng 22,5 triệu m2 NOXH, tương đương với việc phải xây dựng khoảng 2,25 triệu m2 NOXH hàng năm.