Cảnh giác "tín dụng đen" núp bóng cho vay online

11/07/2022 11:55 GMT+7

Tại talk show của VTV "Cẩn trọng bẫy "tín dụng đen" núp bóng cho vay online" phát sóng tối 9-7, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết hiện nay đã có hàng loạt câu chuyện cảnh báo về rủi ro khi vay tiền "tín dụng đen".

Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một đường dây cho vay tín dụng xuyên quốc gia, vay lãi suất vay từ 1.500% đến trên 2.100%/năm. Nhiều trường hợp khác lãi "nhẹ nhàng" hơn cũng lên đến vài trăm %/năm.

Nguyên nhân khiến cho "tín dụng đen" núp bóng cho vay online ngày càng phát triển là do các app (ứng dụng) vay tiền này khá đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi… Một số khác bị sập bẫy "tín dụng đen" còn do người dân không phân biệt được đâu là app của các đơn vị được cấp phép, đâu là app của các đối tượng cho vay nặng lãi.

"Để có thể hạn chế người dân vay phải "tín dụng đen" phải đẩy mạnh việc cho vay ở các kênh vay tiền chính thức. Như Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, hướng đến các món vay nhỏ, phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân, thông qua các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, hay các quỹ tín dụng nhân dân", luật sư Lê Văn Thiệp nói.

Thời gian qua, các công ty tài chính cũng không ngừng mở rộng mạng lưới, hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Cảnh giác tín dụng đen núp bóng cho vay online - Ảnh 1.

Theo ông Kalidas Ghose, CEO Công ty tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT), các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn của người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống. Đồng thời, phải đồng hành với người vay để đảm bảo họ có tài chính cho các khoản trả hàng tháng. Từ đó, tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh.

Liên quan đến câu chuyện đẩy lùi "tín dụng đen", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết để giải quyết vấn đề "tín dụng đen" cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành. Từ năm 2017, qua việc khảo sát các tỉnh trọng điểm về "tín dụng đen", ngành ngân hàng nhận định việc mở rộng tín dụng chính thức sẽ góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

Về cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh song song với đó là kiểm soát chặt lĩnh vực này, tránh sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng chính thức, giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn. Kết quả, đến nay có 2,1 triệu tỉ đồng phục vụ cho vay tiêu dùng, trong đó trên 700.000 tỉ đồng phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn, cấp thiết của người dân…