Cuộc thi của trò làm khổ thầy quá đỗi...

08/04/2021 03:05 GMT+7

Những lùm xùm xung quanh lễ tổng kết trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2020-2021 mới đây đang khiến nhiều người, nhất là giáo viên như tôi trăn trở.

Cụ thể, giải nhất thuộc về dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của HS Trường THPT Hoa Lư A (tỉnh Ninh Bình) bị tố sao chép "Dự án giường I.o.T (năm 2019) giúp người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa" cũng của chính HS Trường THPT Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) dự thi. Cả hai dự án đều do một giáo viên hướng dẫn.

Còn nhớ ở trường tôi hồi đầu năm học, khi yêu cầu tổ chuyên môn đăng ký chỉ tiêu chất lượng bộ môn, danh hiệu thi đua, chuyên đề, sáng kiến... nhà trường cũng quy định mỗi tổ chuyên môn phải nộp một đề tài chuẩn bị cho cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật sắp tới. Đến lượt tổ chuyên môn họp, mỗi giáo viên lại được yêu cầu phải nộp một đề tài tham gia dự thi khoa học kỹ thuật.

Tôi nghĩ sáng tạo khoa học kỹ thuật và rất nhiều cuộc thi khác trong nhà trường phổ thông đang tạo ra một sân chơi lý tưởng cho HS thỏa sức mày mò, thử thách giới hạn của bản thân. Chính từ các sân chơi giàu tính trí tuệ này, tài năng của HS được phát hiện, nuôi dưỡng, vun bồi đúng cách, đúng hướng sẽ tạo ra một đội ngũ nhân lực tài giỏi, đầy tiềm năng trong tương lai. Bởi vậy, việc nhà trường đưa ra chỉ tiêu mỗi tổ chuyên môn rồi mỗi giáo viên phải đăng ký đề tài để HS đi thi phải chăng sẽ vô tình tước mất cơ hội để HS sáng tạo ý tưởng và nỗ lực hết mình cho công trình khoa học đầu tiên trong đời?

Một công trình thường do 2 HS thực hiện và một giáo viên chịu trách nhiệm hỗ trợ. Chất xám của HS, nỗ lực của các em xứng đáng nhận được lời ngợi khen nếu thật sự công trình sáng tạo ấy do chính các em lên ý tưởng, mày mò nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị mô hình trưng bày... Chỉ tiếc là ở nhiều công trình, giáo viên nhúng tay quá nhiều vào đề tài sáng tạo, từ khâu lên ý tưởng đến tận công đoạn trưng bày cuối cùng. Thậm chí đến trước ngày đi thi thố, HS mới được "chọn mặt gửi vàng" để đọc và học thuộc lòng báo cáo để thuyết trình rồi trả lời câu hỏi chất vấn của ban giám khảo.

Một cuộc thi của trò nhưng lại dồn tất tần tật áp lực vào người thầy như thế liệu có thực chất và công bằng?