“Giải mã” việc SCTV tăng giá thuê bao

02/09/2010 09:03 GMT+7

Giá truyền hình cáp cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm bình ổn giống như các dịch vụ thiết yếu khác

Người dân đang chú ý việc giá thuê bao truyền hình cáp của SCTV tăng đến 25% nhưng tăng không phải do lỗ mà vì... muốn lãi nhiều hơn nữa!

Dù các công ty truyền hình cáp giấu số lượng thuê bao nhưng chắc chắn số lượng thuê bao truyền hình cáp đang tăng. Trong bối cảnh đó, với tuổi đời gần 10 năm, các mạng truyền hình cáp ở TPHCM đã lấy lại vốn. Doanh thu lớn, hạ tầng mạng đã khấu hao xong, lượng thuê bao gia tăng, nhiều kênh thay vì phải mua bản quyền lại được thay thế bằng những “chương trình bôi mờ logo nhà sản xuất” (để tránh tốn phí bản quyền), quảng cáo ngày càng dày đặc..., những yếu tố này cho thấy SCTV đang làm ăn thuận buồm xuôi gió. Lẽ ra, trong điều kiện đó, SCTV sẽ giảm giá như cước điện thoại, chí ít là giữ nguyên mức phí và gia tăng các hình thức ưu đãi cho khán giả.

SCTV tăng giá đến 25% khiến người tiêu dùng bất bình

Đằng này, giá thuê bao lại tăng vọt từ 66.000 đồng lên tới 88.000 đồng. Điều này diễn ra trong bối cảnh Nhà nước, nhất là tại TPHCM, đang có những hoạt động bình ổn giá, kiềm chế việc tăng giá hết sức quyết liệt. Trong khi một sản phẩm nào đó tăng giá chỉ 2% - 5% là đã ngần ngại, vậy mà SCTV đùng một cái tăng giá đến 25%, như một cú tát vào những người đang thuê dịch vụ của thương hiệu này.

Trong “sự cố cột điện” vừa qua, đối thủ của SCTV là HTVC có vẻ không còn khả năng triển khai tại các quận trung tâm đông dân, cũng là các quận có số thuê bao cao nhất, doanh số cao nhất. Nay thì đã đành nhưng về sau này, cũng khó mà có cáp HTVC, chỉ có cáp SCTV! Khán giả ở các quận 1, 3, 5... không có quyền lựa chọn công ty cung ứng dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến, có chăng là lựa chọn xem hay không xem truyền hình cáp mà thôi. Vì vậy, “bài” của SCTV là cứ tăng giá, dù có mất một số khán giả ở những quận, huyện có cáp HTVC nhưng số tiền thu tăng cao ở các quận trung tâm - nơi SCTV độc quyền - thừa sức bù lại, thậm chí tiền lãi sẽ tăng mạnh, cho dù có mất một số thuê bao ở các huyện, quận vùng ven nào đó.

Không loại trừ SCTV tranh thủ tình trạng tranh tối tranh sáng hiện nay giữa truyền hình analog (công nghệ tương tự) và công nghệ truyền hình số mặt đất để kiếm thêm. Vị trí công nghệ truyền hình số mặt đất nay đã được khẳng định nhưng lại chưa triển khai, trong khi đó các đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất chủ lực - như Đài Truyền hình Bình Dương - lại có vấn đề kỹ thuật trong việc phát sóng kỹ thuật số (phát giảm kênh, nhiều lúc mất sóng). Còn việc phát triển, gia tăng kênh sóng analog phát trong không gian (on air) đã dừng hẳn.

Tình trạng tranh tối tranh sáng đó buộc khán giả phải phụ thuộc vào truyền hình cáp, mà một số quận, huyện chỉ có SCTV, làm tình trạng độc quyền cục bộ càng phát huy tác dụng có lợi cho SCTV. Sau bước thuê bao 88.000 đồng này, nếu kết quả doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, lấy gì bảo đảm SCTV sẽ không tiếp tục tăng giá!

Thật ra, SCTV tăng giá thuê bao, hay chậm sửa chữa sự cố kỹ thuật cho khán giả không phải vô lý, mà là hợp lý. Hợp lý của sự độc quyền.

Đối với tình trạng hiện nay ở TPHCM, giá truyền hình cáp cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm bình ổn giống như các dịch vụ thiết yếu khác.

Về lâu về dài, cần nghiên cứu mô hình quản lý mạng dây cáp truyền hình cáp như là một cơ sở công ích và cho nhiều công ty đấu thầu khai thác, theo các điều kiện có lợi cho Nhà nước và nhân dân. Nếu không, chắc chắn sẽ liên tục có những đợt tăng giá truyền hình cáp, mà đợt nào cũng “đại nhảy vọt”, lần này được giải thích là do mua bản quyền, nâng cao chất lượng, lần sau có thể giải thích là vì giá thuê bao truyền hình cáp ở TPHCM còn... rẻ nhất thế giới chẳng hạn!

Mô hình nước ngoài: Chống độc quyền

Trên thế giới, việc quản lý hoạt động truyền hình cáp rất đa dạng, rất khác biệt nhưng cũng đều nhằm vào mục tiêu chung: Bảo vệ lợi ích người dân, chống độc quyền, chống lạm dụng vị thế độc quyền để móc túi người tiêu dùng vô tội vạ. Một mô hình đáng chú ý là chính quyền sở hữu mạng dây cáp truyền hình hữu tuyến như một tài sản công cộng, nhiều công ty truyền hình cáp đấu thầu thuê mạng cáp dịch vụ công ích trong chỉ một thời hạn nhất định. Cạnh tranh quyết liệt, đương nhiên giá không tăng mà còn phải giảm để có khách.