Chủ tịch IPPG đề xuất giải pháp nâng chất lượng đối tác hải quan – doanh nghiệp

10/09/2024 18:46 GMT+7

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá cao những nỗ lực của ngành hải quan trong cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tại Diễn đàn thường niên "Hải quan- Doanh nghiệp năm 2024" diễn ra tại Hà Nội ngày 10-9, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG chia sẻ lại nhiều kỷ niệm với ngành hải quan những ngày đầu đổi mới, công nghệ máy móc soi chiếu còn rất thô sơ. Khi đó IPPG đã tặng ngành hải quan máy soi chiếu và hỗ trợ tích cực cho ngành hải quan nâng cao chất lượng công việc.

Chủ tịch IPPG đề xuất giải pháp nâng chất lượng đối tác hải quan – doanh nghiệp- Ảnh 1.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ 3 từ trái sang) được Tổng cục Hải quan vinh danh trong thực hiện quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp tại Diễn đàn ngày 10-9-2024

"Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đánh giá rất cao ngành hải quan vì đã rất cầu thị, lắng nghe từ các doanh nghiệp, các chuyên gia và các cơ quan quản lý về những tâm tư, vướng mắc, bất cập trong các chính sách pháp luật. Và hải quan đã có các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung nhằm ngày càng hoàn thiện các chính sách, một cách hiệu quả hơn, trên tinh thần cùng nhau xây dựng một nhà nước Việt Nam pháp quyền minh bạch và vững mạnh", ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.

Thứ nhất, cơ quan hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Thứ hai, cần đơn giản hóa thêm thủ tục hơn nữa. Mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.

Thứ ba, cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại, giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.

Thứ tư, cần tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).

Thứ năm, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông quan thực hiện thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SME đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin.

Thứ sáu, nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan.

Thông tin tại diễn đàn cho biết, hơn 50% các doanh nghiệp hài lòng về sự đa đạng về hình thức và về độ chính xác, kịp thời của việc cung cấp thông tin từ phía hải quan. Những con số này là một phần trong những kết quả đạt được sau 10 năm phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp.