Theo Bloomberg, chốt phiên ngày thứ Năm (9/7), cổ phiếu của SoftBank Group đã tăng lên mức cao nhất 20 năm, kéo giá trị tài sản ròng của người sáng lập lên mức 20 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức 8,4 tỷ USD hồi tháng Ba.
Tỷ phú Masayoshi Son. Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg
Đây cũng là lần đầu tiên tài sản của tỷ phú 62 tuổi này đạt đỉnh 20 tỷ USD, tính từ tháng 1/2013, thời điểm Bloomberg bắt đầu theo dõi biến động tài sản của ông.
Cũng theo Bloomberg, khối tài sản 20 tỷ USD này không bao gồm khoảng 13,3 tỷ USD giá trị cổ phiếu SoftBank Group (chiếm khoảng 40% cổ phần) đang được ông dùng làm tài sản thế chấp, theo hồ sơ công khai tại sở giao dịch.
Hơn 26% cổ phần của ông đang được cho nhiều đối tượng vay, trong đó, chủ yếu là các công ty môi giới, vay có tính phí nhằm tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, những cổ phiếu này vẫn được tính vào tài sản ròng của Masayoshi Son vì ông vẫn giữ quyền kiểm soát chúng.
"Chính những cổ phiếu được đem đi cho vay là thứ tạo ra doanh thu gia tăng", Andrew Dyson, CEO của Hiệp hội cho vay chứng khoán quốc tế cho biết. Việc cho vay chứng khoán có thể tạo ra hàng trăm triệu USD tiền phí mỗi quý, ông cho biết thêm.
Cổ phiếu của SoftBank Group đã tăng 138% từ mức đáy hồi tháng Ba, đưa giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này lên 125 tỷ USD. Trong khi đó, Quỹ Vision thuộc tập đoàn này đã mất gần 18 tỷ USD trong năm tài chính gần nhất do thua lỗ khi đầu tư vào WeWork, Uber Technologies và các công ty khác.
Tuy nhiên, việc mua lại cổ phần với quy mô kỷ lục và một loạt các thắng lợi khác đã giúp cổ phiếu của tập đoàn này phục hồi. SoftBank đã bán một phần cổ phần nắm giữ tại T-Mobile US Inc. vào tháng trước và một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm vào đầu tháng Bảy.
Chiến lược của tỷ phú Masayoshi Son khá phổ biến trong giới giàu có nhưng biến động thị trường trong những tháng đầu năm nay cho thấy việc dùng cổ phiếu của cá nhân, cộng thêm khối nợ lớn, có thể mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Tình trạng hỗn loạn của thị trường do dịch bệnh khiến cho nhiều nhà đầu tư thua lỗ và bị "margin call". Kết quả là một số cá nhân đã phải nộp thêm tiền ký quỹ để tránh vỡ nợ, còn một số khác phải thanh lý cổ phiếu với giá thấp. Lu Zhengyao - ông trùm sáng lập Luckin Coffee Trung Quốc và Markus Braun - CEO của công ty fintech Đức Wirecard AG - là những nạn nhân điển hình của rủi ro khi thế chấp cổ phiếu cá nhân.
Ngay từ khi các lo lắng về việc cho vay chứng khoán mới nhen nhóm, từ tháng 12 năm ngoái, quỹ hưu trí lớn nhất của Nhật Bản đã cho biết sẽ ngừng thực hiện cho thế chấp cổ phiếu vì nó tạo ra khoảng trống trong quyền sở hữu khi cổ phiếu có sự thay đổi.
Việc giá cổ phiếu của SoftBank Group tăng mạnh đồng nghĩa với những rủi ro liên quan tới giao dịch thế chấp cổ phiếu vẫn còn ở xa. Theo tính toán của Bloomberg, số cổ phiếu cầm cố của tỷ phú Son hiện được định giá gấp gần 3 lần so với số nợ mà ông từng để cập trong bài thuyết trình về kết quả kinh doanh hồi tháng Năm.