5 nút thắt cần tháo gỡ để thị trường địa ốc vực dậy sau đại dịch

11/04/2020 21:17 GMT+7

Các chuyên gia của Cushman & Wakefield Vietnam đã chỉ ra một số nút thắt đang cản trở sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam và hướng giải quyết.

Ông Ben Gray, Giám đốc Thị trường vốn và ông Paul Tonkers, Giám đốc Dịch vụ logistics và công nghiệp của Cushman & Wakefiel Vietnam nhận định, tác động của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lên các ngành nghề, lĩnh vực chiếm đến 42% GDP Việt Nam, trong đó có bất động sản.

Nhận định đây là cơ hội tốt để Chính phủ đưa bất động sản trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chuyên gia đã chỉ ra 5 nút thắt và cách giải quyết các vấn đề đó nhằm mở ra nhiều cơ hội tốt cho thị trường vượt qua cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Thứ nhất là sự minh bạch trong giá chuyển nhượng đất.

Ưu tiên hàng đầu là cần chấm dứt bất ổn xung quanh việc xem xét giá chuyển nhượng đất hiện nay. Ngoài ra, cần đẩy nhanh và đưa ra khung pháp lý rõ ràng để giải quyết việc xem xét các mức giá dự án do các chủ đầu tư đề xuất. Thực tế cho thấy quá trình xem xét đã gây cản trở cho sự phát triển và tạo ra những hạn chế về nguồn cung trên một thị trường đang lớn mạnh với nguồn cầu cao như Việt Nam.

Việc ban hành chính sách rõ ràng và khung pháp lý chặt chẽ sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung mà không làm mất ổn định thị trường. Cùng với đó, một cơ chế thẩm định giá đất rõ ràng, không dựa vào đấu giá hay đầu cơ sẽ được xem là một động thái thận trọng của Chính phủ.

5 nút thắt cần tháo gỡ để thị trường địa ốc vực dậy sau đại dịch - Ảnh 1.

Bất động sản được đánh giá là lĩnh vực tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TL.

Thứ hai là tăng tính tin cậy trong dự án PPP (Hợp tác công tư).


Mô hình PPP được đánh giá sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận quỹ đất của các chủ đầu tư cho mục đích phát triển, đồng thời có thể được quản lý bởi chủ sử hữu đất là Nhà nước nhằm phát triển thêm cơ sở vật chất theo cấp độ đầu tư. Các dự án PPP sẽ giúp thu hút FDI, các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và logistics.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng cần tạo ra một quy trình thiết thực và minh bạch, đòi hỏi có 3 cơ quan thẩm định độc lập nhằm định giá tài sản của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án. Quy trình này sẽ đem lại niềm tin cho phía doanh nghiệp cũng như giúp Chính phủ mở rộng quy mô của các dự án đầu tư trong tương lai trên kênh đăng ký đầu tư trực tuyến.

Nút thắt thứ ba cần được giải quyết là một hệ thống khung pháp lý, quy trình và giá cả rõ ràng hơn. Chuyên gia hy vọng điều này có thể giải quyết được hai vấn đề là thời hạn sử dụng đất và điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (LUCR).

Dự luật mới về đất đai có thể tháo gỡ được nút thắt này, tuy nhiên, chừng nào dự luật còn thay đổi liên tục, khung pháp lý sẽ còn cồng kềnh và ảnh hưởng đến hầu hết khu vực bất động sản, dẫn đến dự án chậm trễ và tăng chi phí phát triển, khó thu hút được nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Thứ tư là vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng. Khi các đường vành đai kết nối các cảng và khu công nghiệp và phát triển các nút giao thông ở khu vực phía Nam hoàn thành sẽ giúp việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả và thành công hơn.

Quy hoạch phát triển và phân bổ vốn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Việc cung cấp thông tin rõ ràng về tác động của dự án đầu tư cũng sẽ giúp các bên hữu quan đánh giá được tính hiệu quả của cách thức thực hiện dự án.

Cuối cùng là cần cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và chủ sở hữu bất động sản. Đây là yếu tố then chốt giúp mở rộng mạng lưới nhà đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, rủi ro chính khiến bên cho vay lo ngại là chưa có quy định chặt chẽ về việc thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp người vay phá sản. Chính vì vậy, việc giải quyết vấn đề này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn khác với chi phí thấp và loại bỏ rủi ro cho các ngân hàng.