Ảnh minh họa
Báo cáo thị trường bất động sản quý III của cơ quan này cho biết, do Covid-19, thị trường không có nguồn cung dự án mới, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh so với quý II. Tỷ lệ hấp thụ các loại sản phẩm nhà ở chỉ đạt 40% lượng chào bán trên thị trường. Với đất nền, tỷ lệ này cao hơn, đạt khoảng 50%.
Dù vậy, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II. Giá căn hộ chung cư ở các phân khúc đều giữ hoặc tăng nhẹ khoảng 1-2%.
Bộ Xây dựng nhìn nhận, giá bán nhà ở các phân khúc bất động sản có xu hướng bị đẩy giá có phần nguyên nhân từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào (đặc biệt là sản phẩm nhập khẩu) tăng do khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng. Có thời điểm giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020. Giá các vật liệu như xi măng, cát, gạch... cũng tăng. Điều này đã khiến việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.
Ngược với chung cư, giá đất nền, nhà ở riêng lẻ giảm 1-2%.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 7, Bộ Xây dựng cũng cho biết thị trường đất nền giảm giá mạnh sau khi các cơ quan chức năng kiểm soát sốt đất. Một số đơn vị nghiên cứu nhà đất trong quý III cũng mô tả thị trường đất nền trầm lắng trước ảnh hưởng của Covid-19. Như DKRA Việt Nam cho biết, giá bán thứ cấp vài nơi khu vực phía Nam giảm 5-7%, trong đó, có nguyên nhân là một số nhà đầu tư cần xả hàng để giải toả áp lực tài chính.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá thuê mặt bằng thương mại, nhà ở, căn hộ giảm chung khoảng 2-3%. Hiện các chủ nhà cũng hỗ trợ người thuê bằng cách giảm giá trực tiếp 10-20%, tuỳ điều kiện cụ thể.
Đánh giá chung về diễn biến giá giao dịch nhà đất thời gian qua, Bộ Xây dựng nhận định, các nhà đầu tư và người dân vẫn xem bất động sản là kênh an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn. Nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương đã tăng 30–50% so với cuối năm 2020.