Cả 3 miền sốt đất, Bộ Tài nguyên - môi trường "nghiêm túc tìm nguyên nhân"

09/04/2021 11:35 GMT+7

Trước hiện tượng sốt đất khắp nơi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính công nhận nếu không can thiệp, chấn chỉnh kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cả 3 miền sốt đất, Bộ Tài nguyên - môi trường nghiêm túc tìm nguyên nhân - Ảnh 1.

Nhiều khu nhà vốn bỏ hoang cũng đang được môi giới đổ đến và giá tăng mạnh - Ảnh: QUANG THẾ

Ông Chính nói: Hiện tượng giá đất tăng đột biến, tạo ra những cơn sốt đất lan rộng ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua là không bình thường.

Với cơn sốt đất lần này, Bộ Tài nguyên - Môi trường thấy rằng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và xem xét, nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng tình hình, tìm ra những nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Có đầu cơ, nhưng có thiếu hụt...

Cả 3 miền sốt đất, Bộ Tài nguyên - môi trường nghiêm túc tìm nguyên nhân - Ảnh 2.

Ông Đào Trung Chính

* Từng xảy ra nhiều đợt sốt đất nhưng hiện tượng sốt đất lần này xảy ra ở nhiều nơi, cả 3 miền đều có thông tin sốt đất. Vì sao vậy, thưa ông?

- Có một số nguyên nhân chính: Thứ nhất, theo Luật quy hoạch, đây là thời điểm các địa phương đang triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030.

Thực tế có quy hoạch đã được phê duyệt nhưng cũng có nhiều ý tưởng dự kiến, trong đó có những thông tin về chủ trương, định hướng thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, nâng cấp đô thị. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp... được thông tin dự kiến triển khai.

Ví dụ việc thành lập TP Thủ Đức, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dự kiến thành lập TP biển Cần Giờ... Dù đã chính thức hoặc chỉ là dự kiến thì cũng đem đến kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Thứ hai, đó là thực tế lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện ở mức thấp; dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán. Cũng có hiện tượng nhà đầu tư chứng khoán hiện thực hóa lợi nhuận chuyển sang bất động sản.

Thứ ba, với những thành công trong phòng chống COVID-19, Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn, ngoài ra chúng ta cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, thu hút luồng dịch chuyển vốn, trong khi nguồn khu công nghiệp, khu chế xuất chưa mở rộng được nhiều.

Ngoài ra, cũng có yếu tố từ thị trường bất động sản cũng bắt đầu có dấu hiệu "ấm" trở lại, trong khi nguồn cung các dự án phát triển nhà ở giảm mạnh, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, làm cho nguồn cung khan hiếm.

Tuy nhiên, có nguyên nhân mang tính tiêu cực, đó là yếu tố đầu cơ; những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời.

Chính quyền sẽ làm gì?

* Với những nguyên nhân được chỉ ra, Bộ Tài nguyên - môi trường và các tỉnh thành có thể làm gì để kiểm soát tình trạng sốt đất, thổi giá đất?

- Nếu không can thiệp kịp thời để giá đất được quản lý, định hướng của Nhà nước có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Vì vậy, mới đây Bộ Tài nguyên - môi trường đã có văn bản gửi các tỉnh, TP đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất.

Thứ nhất, phải tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Phải đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được đưa vào kinh doanh, chuyển nhượng.

Với hoạt động môi giới bất động sản cũng phải kiểm tra, chấn chỉnh để hoạt động này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Với các dự án phân lô, bán nền cũng phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ.

Thứ hai, công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống. Đây là biện pháp nhằm tránh để bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế; kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Ngoài ra, phải xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền... thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương.

*Vậy chính Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ làm gì?

- Bộ Tài nguyên - môi trường tới đây sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định về giá đất, quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương...

Ngoài ra, sẽ sớm đưa giao dịch đất đai, bất động sản thực hiện theo hệ thống cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số để quản lý trên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.

Bộ Tài nguyên - môi trường cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có các biện pháp ổn định về giá đất thuê; tiếp tục xem xét, hỗ trợ cho doanh nghiệp như có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất như trong năm 2020 cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quy định UBND các địa phương có thể thay đổi hệ số thu tiền thuê đất cho các doanh nghiệp để góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên - môi trường khuyến cáo gì?

Chúng tôi khuyến cáo người dân cần lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, có tiềm lực tài chính để đầu tư, không đầu tư theo phong trào.

Khi thực hiện giao dịch, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đủ các thông tin về dự án như hồ sơ pháp lý, tính kết nối của dự án...

Đặc biệt, khi có nhu cầu mua nhà, đất thì cần tìm hiểu, nắm bắt các thông tin chính thống. Khi mua bán nhà, đất thì cần thực hiện nghiêm việc đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Quản lý những "cỗ máy tin đồn" sốt đất

Để chặn nguy cơ bong bóng bất động sản, Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng đã ra một bản thông cáo đặc biệt. Qua những dẫn chứng cụ thể cho thấy không có sự đột biến trong giao dịch bất động sản từ sau tết đến nay như lời đồn thổi.

Đặc biệt, việc giảm sâu hơn 10% đối với các loại đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh được xem như cách thu hút nhà đầu tư cũng như can thiệp xu hướng giá.

Hoạt động môi giới bất động sản đã được đưa vào quy phạm pháp luật. Người đủ điều kiện làm môi giới buộc phải trải qua các lớp đào tạo và một số kỳ thi để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Việc cấp phép hoạt động đối với các sàn giao dịch bất động sản cũng chặt chẽ. Nhưng việc kiểm tra, giám sát thì mỗi nơi mỗi kiểu. Hiếm thấy trường hợp môi giới hoặc sàn giao dịch không phép nào bị kiểm tra, xử phạt vì không đủ điều kiện hành nghề.

Quy định pháp luật đã có, vậy nên dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý của địa phương mỗi khi tình trạng sàn giao dịch đất và hoạt động môi giới diễn ra dễ dàng như đặt gánh rau, cá ngoài chợ.

TRƯỜNG TRUNG