Góc làm việc mỗi ngày của Viya. Ảnh: Bloomberg.
Huang Wei, 34 tuổi, còn được biết với cái tên Viya, người đã livestream bán thành công một quả tên lửa với giá 5,6 triệu USD vào tháng 4.
Viya được nhiều người nhìn nhận là "nữ hoàng livestream" tại Trung Quốc. Vào tháng 5, một buổi livestream của cô ghi nhận hơn 37 triệu người xem trực tuyến.
Trung Quốc có mọi thứ cho ngành livestream
Theo như nghiên cứu của tập đoàn Alibaba, "ngành công nghiệp livestream" ở Trung Quốc đang được định giá khoảng 60 tỷ USD, cá nhân "nữ hoàng" Viya nhận về 4,2 triệu USD trong năm 2018.
"Tôi tự xem bản thân là người giúp khách hàng quyết định mua sắm sản phẩm, tôi nghĩ tới nhu cầu của họ. Đặc biệt hơn, tham vọng của tôi là bán những mặt hàng mà người xem sẽ cần trong tương lai", Viya nói.
Livestream trên các trang thương mại điện tử là một thuật ngữ không mới ở các quốc gia phát triển.
"Người nổi tiếng, công nghệ livestream, điện thoại thông minh, mạng xã hội là một phần của hệ sinh thái này. Nhưng chưa chắc nó sẽ thành công bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc", Benedict Evans, chuyên viên nghiên cứu thị trường tại Silicon Valley nhận định.
Không quốc gia nào mà livestream có nhiều tiềm năng phát triển như Trung Quốc, nơi mà nhiều chuyên gia khẳng định mua hàng qua livestream sẽ trở thành thói quen và một kênh bán hàng quan trọng của các nhà phân phối bán lẻ.
Ví dụ như nền tảng Alibaba, người dùng có thể vừa xem livestream để giải trí, vừa trò chuyện với những người dùng khác, sau đó đặt mua hàng và thanh toán ngay lập tức bằng Alipay. Đó là một trải nghiệm mua sắm không có điểm dừng.
Bên cạnh sức mạnh công nghệ, một phần lớn người dân có mức thu nhập trung lưu cũng là yếu tố giúp việc mua sắm qua livestream phát triển tại Trung Quốc.
Theo McKinsey Global Institute, Trung Quốc chiếm 1/3 sự tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong giai đoạn 2010-2017. Trong 10 năm tiếp theo, sự tăng trưởng trong tiêu dùng của quốc gia này sẽ bằng Mỹ và các nước Tây Âu cộng lại.
Khuyến mãi khi livestream là đòn đánh tâm lý phổ biến
Viya là một trong 500 nhân viên của công ty Qianxun Group, trụ sở ở Hàng Châu. Xung quanh Viya có rất nhiều nhân viên phụ trách về quảng cáo, về mạng xã hội, nhân viên kỹ thuật, quay phim hoặc người sắp xếp hàng hóa.
"2020 là năm quan trọng của ngành bán hàng livestream, đại dịch Covid-19 đẩy rất nhiều đơn vị bán lẻ quyết định bán hàng online, sự cạnh tranh càng ngày càng tăng", Alves Huang, CEO của Quianxun Group nói.
Trên kênh livestream, Viya bán mọi thứ từ mì gói tới mắt kính hay ghế ngồi massage. Ảnh: Bloomberg.
Thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo và phụ kiện là những mặt hàng thường thấy trên kênh của Viya. Với sự tác động của ánh sáng và các hiệu ứng hình ảnh đi kèm, mọi sản phẩm luôn luôn xuất hiện đẹp mắt, thu hút sự chú ý của người xem.
Một yếu tố khiến buổi livestream của Viya trở nên đặc biệt hơn là chương trình khuyến mãi độc quyền. Có thể là giảm giá, hoặc tặng kèm với một sản phẩm giá trị khác, chỉ áp dụng trong thời gian phát sóng của buổi livestream, điều này thúc đẩy người mua ra quyết định chi tiêu nhanh hơn.
"Nói về sự khan hiếm của hàng hóa là một đòn tâm lý khiến người mua phải nhanh chóng chi tiền, dẫn đến việc mua sắm bốc đồng. Đặc biệt là thời gian của buổi livestream thường ngắn, nó khiến việc mua sắm càng trở nên khẩn cấp hơn", Andy Yap, giảng viên tại Đại học kinh doanh INSEAD nói.
Tại Trung Quốc, người dùng dành rất nhiều thời gian trong những "siêu ứng dụng". Như Alibaba có 2 trang mua sắm là Taobao và Tmall, họ có hệ thống ngân hàng, thanh toán điện tử riêng Ant Financial, Alipay và Sesame Credit. Alibaba cũng sở hữu Cainiao, phụ trách vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
"Sự nhanh chóng chi tiền" mà Yap đề cập thật sự rất nhanh khi người dùng ở trên những "siêu ứng dụng". Cụ thể, ứng dụng này biết rõ địa chỉ nhà, số điện thoại, danh sách bạn bè người thân và cả tài khoản ngân hàng điện tử của người dùng.
Viya sử dụng hình thức khuyến mãi xổ số trong buổi livestream, người xem sẽ click vào vòng xoay may mắn để xem họ được món quà ngẫu nhiên nào. Chỉ cần một cú click như vậy, giao dịch đã hoàn thành mà không làm gián đoạn buổi livestream. Sau đó, họ tiếp tục bị cuốn vào sản phẩm tiếp theo mà Viya giới thiệu.
Hiệu quả, nhưng không thể phát triển lâu dài
Hành vi mua sắm truyền thống của người dùng thường diễn ra rất chậm. Từ việc chú ý đến một sản phẩm nào đó, họ cần thời gian tìm hiểu sản phẩm và cuối cùng mới quyết định mua hàng.
"Nhờ có những livestreamer nổi tiếng như Viya, thời gian đưa ra quyết định mua sắm của người dùng trở nên nhanh hơn rất nhiều", bà Helen Lu, đại diện công ty Procter & Gamble (P&G) tại thị trường Trung Quốc cho biết.
Bà Lu cho biết P&G cũng thử nghiệm hình thức livestream nhưng không đạt kỳ vọng như khi Viya bán hàng. Sự gắn kết giữa người xem và người livestream có thể là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công trong hình thức bán hàng này.
Được biết, Viya đã cùng chồng kinh doanh online từ năm 18 tuổi. Họ cũng bắt đầu livestream bán hàng từ những năm 2012, trước cả khi Taobao giới thiệu nền tảng livestream vào năm 2016.
Viya livestream bán xe hơi trong một sự kiện diễn ra vào ngày 30/4. Ảnh: Bloomberg.
Để bán được nhiều sản phẩm, các livestreamer thường yêu cầu nhãn hàng phải giảm giá sâu để giúp họ tạo sự khác biệt trong những buổi livestream. Tuy nhiên, đây không phải là sự hợp tác lâu dài mà các thương hiệu muốn.
Theo AgencyChina, Trung Quốc hiện có hơn 200 nền tảng livestream với sự góp mặt của những cái tên nổi tiếng như Taobao, JingDong, Weibo, WeChat và Meipai. Các thanh công cụ thanh toán điện tử, các ứng dụng giải trí cũng bắt đầu thử nghiệm livestream.
Với sự bùng nổ về số lượng của những trang bán hàng trực tuyến, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Chỉ 10% người mua hàng qua livestream quay lại mua sắm tiếp trên kênh livestream đó.
"Bán hàng qua livestream thật sự hiệu quả, nhưng chúng tôi không thể đầu tư lâu dài cho hoạt động này", Roger Huang, CEO công ty mỹ phẩm Saville & Quinn cho biết.