Tránh thất thoát, lãng phí
Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước đang được sở quản lý là 7.921 căn nhà (9.683 hộ). Nhà, đất tái định cư có 9.434 căn hộ, 2.254 nền đất (trong đó 5022 căn hộ, 41 nền đất đã lên phương án bán đấu giá để thu hồi vốn). Nhà ở xã hội 721 căn hộ tại 7 chung cư. Nhà công vụ 53 căn.
Hiện nay công tác quản lý, sử dụng nhà, đất sở hữu Nhà nước còn một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, các văn bản chỉ quy định về quản lý tài sản Nhà nước được giao cơ quan làm trụ sở mà thiếu mô hình giữ hộ, quản lý vận hành cho thuê để tăng thêm ngân sách; Chưa có quy định về đấu giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
"Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bổ sung chế độ giao đơn vị sự nghiệp công lập quản lý cho thuê, khai thác để tăng thêm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Kiến nghị sửa đổi Luật Đấu giá, bổ sung hình thức đấu giá cho thuê tài sản nhà nước" - đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho hay.
Nên giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý, kinh doanh nhà đất sở hữu Nhà nước để tránh lãng phí. "> Nên giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý, kinh doanh nhà đất sở hữu Nhà nước để tránh lãng phí.
Đánh giá về đề xuất nêu trên, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản (CLB BĐS) Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, nhà - đất thuộc thuộc quyền sở hữu Nhà nước là tài sản công của toàn xã hội, Bộ, ngành, địa phương được giao quản lý, sử dụng. Đặc biệt đối với nhà công vụ, tài sản dùng để hỗ trợ công chức, viên chức thuộc diện phải luân chuyển công tác, sau khi hết thời gian luân chuyển phải trả lại. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây trong thời gian không sử dụng sẽ làm gì và lấy tiền ở đâu để phục vụ bảo dưỡng, bảo trì?...
Hiện nay quỹ nhà, đất thuộc tài sản công trên cả nước rất lớn, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trong đó rất nhiều tài sản đang bị bỏ trống, nếu không phân cấp quyền mạnh hơn và giao một đơn vị sự nghiệp quản lý, kinh doanh sẽ gây ra lãng phí tài sản xã hội.
"Tôi cho rằng, giao một đơn vị sự nghiệp quản lý vận hành cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước là hoàn toàn hợp lý. Sẽ giải quyết được 2 vấn đề lớn, vì đơn vị sự nghiệp cũng cần phải có thu để giảm phụ thuộc vào ngân sách và khi Nhà nước giao cho một đơn vị vận hành, tài sản Nhà nước được giữ gìn, bảo trì, đồng thời thêm ngân sách đỡ lãng phí thất thoát tài sản công, trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước đang nhiều khó khăn" - ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Nhiều vướng mắc được giải quyết
KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, thời gian qua vấn đề sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nói chung và quản lý, sử dụng nhà công vụ nói riêng xảy ra rất nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội, như: Chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất công không đúng quy định gây thất thoát ngân sách hay "cố tình" chiếm giữ, khai thác bừa bãi nhà công vụ... làm mất đi tài sản công sản và niềm tin từ người dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật.
"Phải xác định đây là tài sản của toàn xã hội, việc quản lý, sử dụng cần phải rõ ràng, công khai, chứ không phải thỏa thuận riêng của các đơn vị, tổ chức với nhau, toàn xã hội có quyền giám sát quá trình thực hiện, đồng thời tài sản công sản phải được lượng hóa về giá trị thực tế trên thị trường" - KTS Trần Huy Ánh cho hay.
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bổ sung quy định giao đơn vị sự nghiệp công lập quản lý cho thuê, khai thác nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước để tăng thêm nguồn thu ngân sách Nhà nước và sửa đổi Luật Đấu giá theo hướng bổ sung hình thức đấu giá cho thuê tài sản Nhà nước.
"Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, kinh doanh cho thuê đối với tài sản công được giao trong trường hợp: Nhà, đất đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; Nhà, đất đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án do cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách Nhà nước đầu tư" - đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) thông tin.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc giao một đơn vị sự nghiệp quản lý, kinh doanh tài sản nhà, đất công phải thực hiện một cách minh bạch, tránh trường hợp giải quyết vướng mắc này lại nảy sinh tiêu cực khác. Đơn vị được giao vận hành kinh doanh phải hạch toán như một doanh nghiệp, tiền thu sau trừ chi phí nộp vào ngân sách Nhà nước chứ không thể nhập nhèm sử dụng trong nội bộ.
Ngoài ra, những sửa đổi căn bản của Nghị định 67 về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phương án sắp xếp, xử lý nhà đất... cũng được đánh giá phù hợp hơn với điều kiện thực tế, đặc biệt giúp tháo gỡ "điểm nghẽn" làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp khi trao quyền cho Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực tế.