Cuộc chiến chia tài sản của gia tộc kín tiếng nhất nước Anh

13/06/2020 18:37 GMT+7

Ở tuổi 85, anh em tỷ phú song sinh Frederick và David Barclay đang phải phải dành chút sức lực cuối cùng để dàn xếp việc chia tài sản cho các con của mình.

Khoảng 20 năm trước, vào một ngày cuối tháng 10, cặp anh em tỷ phú song sinh Frederick và David Barclay sát cánh bên nhau nhận tước hiệu Hiệp sĩ từ Nữ Hoàng Anh. Frederick ra đời trước em trai David 10 phút và họ chỉ khác nhau ở kiểu rẽ ngôi tóc.

Theo Forbes, suốt nhiều thập kỷ, hai anh em nhà Barclay sống kín tiếng và ít khi được nhìn thấy hay chụp ảnh chung nơi công cộng. Vào ngày nhận trao tước hiệu Hiệp sĩ nhờ các hoạt động từ thiện, cặp song sinh đã mặc quần áo giống nhau và có bài phỏng vấn hiếm hoi trước báo giới.

Cuộc chiến chia tài sản của gia tộc kín tiếng nhất nước Anh - Ảnh 1.

Tỷ phú Frederick Barclay (trái) và tỷ phú David Barclay khi cùng nhận danh hiệu Hiệp sĩ. Ảnh: Getty Images.

Khi đó, David nói với các phóng viên: “Đây là một ngày tuyệt vời đối với chúng tôi. Đây là ví dụ tuyệt vời về điều mà chúng ta có thể đạt được ở đất nước này bất chấp địa vị, bằng cấp hay xuất thân khiêm tốn như thế nào".

Sau nhiều thập kỷ sống ẩn dật trong lâu đài trên hòn đảo riêng ở kênh đào Anh, nơi họ mua với giá 2,3 triệu bảng vào năm 1993, hai anh em song sinh từng như hình với bóng giờ đây đang rơi vào cuộc chiến để chia khối tài sản trị giá 4 tỷ USD (theo Forbes) mà họ từng cùng nhau gây dựng.

Cuộc chiến pháp lý sau nhiều thập kỷ kín tiếng

Chủ yếu được biết đến là chủ nhân của công ty giao hàng Yodel, tờ báo The Daily Telegraph và Spectator, và tập đoàn bán lẻ Very và gần đây là khách sạn Ritz tại London, vài tháng qua, anh em song sinh Barclay và gia đình tỷ phú này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông.

Ở tuổi 85, anh em Barclay đang phải phải dành chút sức lực cuối cùng để dàn xếp việc chia tài sản cho các con của mình. Theo một nguồn tin thân cận của Forbes, tranh chấp nảy sinh trong gia đình Barclay bởi vì các thành viên không sở hữu phần tài sản bằng nhau.

Cuộc chiến chia tài sản của gia tộc kín tiếng nhất nước Anh - Ảnh 2.

Khách sạn Ritz nổi tiếng thuộc sở hữu của gia đình Barclay tại London. Ảnh: Getty Images.

Nguồn tin cho biết sức khỏe của David Barclay rất yếu và ông yêu cầu anh trai song sinh Frederick “làm gì đó cho mình trước khi chết". David và Frederick mỗi người nắm giữ 50% khối tài sản của gia đình. Tuy nhiên, David có 4 con trai, trong đó 3 người được quyền thừa kế (1 người bị loại ra khỏi di chúc) còn Frederick chỉ có một con gái. Vì vậy, ong muốn anh trai Frederick từ bỏ một phần tài sản để tất cả con cháu của hai người được chia số tài sản bằng nhau.


Theo nguồn tin trên, Frederick đã nghe theo và từ bỏ một nửa trong số 50% khối tài sản của gia đình mà ông sở hữu để tất cả con cái của hai anh em được chia đều như nhau. Tuy nhiên, sau đó, Frederick gọi đây là “sai lầm lớn nhất đời mình”. Tranh chấp về việc chia tài sản với cấu trúc sở hữu phức tạp của gia đình này có lẽ phải mất nhiều năm mới được giải quyết tại tòa.

Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cũng đâm đơn kiện tố cáo nhau gây rối, “phản bội”, “làm gián điệp thương mại” lên Tòa án Tối cao London (Anh). Tâm điểm của cuộc chiến này là việc Frederick kiện các con của em trai David và một giám đốc công ty cổ phần của gia đình. Ông cáo buộc 3 người cháu đã quay trộm ông và con gái Amanda khi họ đang thảo luận về công việc kinh doanh - cụ thể là việc bán khách sạn Ritz - thuộc sở hữu của gia đình Barclay tại London. Frederick cáo buộc các con của David lợi dụng tín nhiệm, lạm dụng thông tin cá nhân và vi phạm quyền riêng tư.

Theo diễn biến mới nhất, ngày 8/6/2020, trong một tuyên bố, các con trai của David thừa nhận có biết về các băng ghi trộm nói trên nhưng khẳng định rằng họ làm vậy chỉ vì lợi ích của cả gia đình.

Khối tài sản khổng lồ đến từ đâu?

Anh em David và Frederick sinh vào những năm 1930 tại London là hai tỷ phú kín tiếng nhất tại Anh. Họ mất cha khi mới ở tuổi thiếu niên. Năm 16 tuổi, cả hai bỏ học để làm việc kiếm tiền. Họ có được những thành công đầu tiên trong kinh doanh với một nhà trọ ở Notting Hill vào những năm 1950.

Theo chia sẻ của Frederick, khi đó, hai anh em nhận ra rằng nếu họ “trang trí một chút” thì có thể thu thêm 3 si-linh mỗi đêm cho một phòng so với mức giá cơ bản. Sau đó, suốt những năm 1970, nhiều khách sạn và nhà trọ đã làm theo cách này.

Cuộc chiến chia tài sản của gia tộc kín tiếng nhất nước Anh - Ảnh 3.

Ảnh chụp anh em tỷ phú Barclay vào năm 1995. Ảnh: Rex Features.

Họ kiếm được khoản tiền lớn với thương vụ thâu tóm một hãng vận tải và sản xuất bia Ellerman Lines vào năm 1983 với giá 45 triệu bảng rồi bán lại mảng bia với giá 240 triệu bảng vài năm sau đó. Cái tên Ellerman vẫn được giữ cho công ty này đến tận ngày nay.


Vào lúc cao điểm năm 2018, tài sản của anh em nhà Barclay ước tính trị giá 5,8 tỷ USD với đế chế kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gồm chuỗi bán lẻ Very (trước đó là Shop Direct), tờ báo nổi tiếng The Daily Telegraph. Tuy nhiên, họ được biết đến nhiều nhất với việc sở hữu các khách sạn và tòa nhà, trong đó có tháp chung cư Mirabeau ở Monaco và tập đoàn hàng xa xỉ Maybourne. Khách sạn nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của anh em tỷ phú này là Ritz ở London, được họ mua với giá 75 triệu bảng ( 119 triệu USD ) 25 năm trước.

Năm 2012, anh em Barclay là tâm điểm của một phóng sự điều tra Panorama trên đài BBC sau khi khách sạn này bị cáo buộc không trả thuế thu nhập doanh nghiệp nhờ chương trình giảm thuế. Việc này là hợp pháp nhưng thường bị giới chính trị gia và báo chí tại Anh chỉ trích. Theo phóng sự này, anh em tỷ phú Barclay nói rằng họ không liên quan tới việc điều hành các công ty của mình ở Anh.

Trong một tuyên bố vào năm 2012, David Barclay khẳng định: “Tôi và anh trai không hề có quyền lực chính trị hay kinh tế gì ở Anh. Chúng tôi không đến văn phòng, không tham gia công tác điều hành hay các cuộc họp hội đồng quản trị tại Anh kể từ khi rời khỏi đất nước (hiện họ sống chủ yếu ở Monaco)".