Đất đai khu công nghiệp: Nơi xài không hết, chỗ bỏ hoang

11/07/2020 16:28 GMT+7

Trong khi các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai thiếu đất cho phát triển công nghiệp thì các tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… lại bỏ hoang đất đai khu công nghiệp.


Đất đai khu công nghiệp: Nơi xài không hết, chỗ bỏ hoang - Ảnh 1.

Khu đất được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp cho Công ty Biofeed xây dựng nhà máy thủy sản hàng chục năm nay là bãi đất trống. DN đem giấy tờ cầm cố nhiều ngân hàng và mất khả năng trả nợ - Ảnh: CHÍ HẠNH

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành ĐBSCL đua nhau mở hàng loạt khu, cụm công nghiệp khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn khu công nghiệp (KCN) đang bỏ hoang, doanh nghiệp "xí phần" nhưng không đầu tư, trong khi doanh nghiệp thật sự cần đất để đầu tư mở rộng sản xuất thì không tìm ra đất để thuê, gây lãng phí đất đai.

TP Cần Thơ có 6 KCN với tổng diện tích được phê duyệt 860ha, trong đó mới lấp đầy được 570ha. Ngoài KCN Trà Nóc 1, 2 đã cơ bản lấp đầy, còn nhiều KCN khác đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội".

Đơn cử như KCN Hưng Phú 1, tỉ lệ lấp đầy chỉ hơn 12%; KCN Hưng Phú 2A, tỉ lệ lấp đầy 40%…

Trong đó, KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng) do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ làm chủ đầu tư, sau nhiều lần điều chỉnh đến nay đã giảm quy mô từ 350ha xuống còn 262ha.

Dự án chậm triển khai gần 9 năm nên UBND TP Cần Thơ đã giảm diện tích của KCN này từ 262ha xuống còn 141ha, đồng thời thu hồi phần diện tích 121ha giao cho Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ tiếp tục xây dựng hạ tầng KCN Hưng Phú 1 (cụm A).

Không dừng ở đó, năm 2017 thành phố tiếp tục thu hồi khoảng 75,8ha của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ. Thế nhưng, công ty này vẫn "chây ì" không triển khai dự án, buộc thành phố phải thu hồi 35ha và đến nay công ty này chỉ còn 21ha.

Hiện mới có 4 doanh nghiệp thuê đất sản xuất sau hơn 10 năm triển khai dự án. Diện tích thu hồi của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ tiếp tục được kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng KCN. Còn diện tích đất đã giải phóng mặt bằng trước đó hiện bỏ trống, được người dân tận dụng để nuôi bò.

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, đến nay toàn tỉnh có 7 KCN, trong đó KCN Bình Long, KCN Bình Hòa đang hoạt động, KCN Xuân Tô đã hoàn chỉnh hạ tầng, KCN Bình Hòa mở rộng đang lập phương án bồi thường và 3 KCN khác đang mời gọi đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 KCN là Bình Hòa (93ha), Bình Long (23ha) đã cơ bản lấp đầy, còn lại các KCN khác vẫn "phơi mình" chờ nhà đầu tư.

Đáng quan tâm là có những KCN mặc dù đã hoàn thiện hạ tầng nhưng vẫn ế khách, điển hình như KCN Xuân Tô dù đã hoàn thiện hạ tầng hàng chục năm nay nhưng chỉ mới có 5 dự án đăng ký đầu tư, đất đai bỏ hoang nhiều, rất lãng phí.