Giải bài toán nhân sự ứng phó dịch Covid-19

25/04/2020 11:36 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước khó khăn với nhiều bài toán cần có lời giải, từ vấn đề cắt giảm lương thưởng, nhân sự đến tái cấu trúc doanh nghiệp...

"Giải pháp quản lý nhân sự trong mùa dịch" ra sao? Là toạ đàm trực tuyến vừa được Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội Doanh nhân trẻ TP HCM và nhãn hàng Tôn Colorbond của Công ty NS Bluescope Việt Nam tổ chức ngày 24-4.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Viet Thang Jeans, cho biết ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, nên khi dịch bệnh xảy ra ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành rất bất ngờ với những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhân sự...

Giải bài toán nhân sự ứng phó dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm trực tuyến

Các doanh nghiệp từng dự báo khả năng hồi phục trong tháng 3-4, nhưng không phải như vậy. Thực tế, sau khi nguồn cung bị đứt từ Trung Quốc, các doanh nghiệp trong ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn với việc bị tạm hoãn, đình trệ đơn hàng tại thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, tại Viet Thang Jeans, ngay trong tháng 3, các khách hàng ở EU và Mỹ thông báo hoãn nhận đơn hàng trong vòng 3 tuần và 1 tháng…

"Để giữ chân người lao động trong khó khăn này, khoảng 50% doanh nghiệp dệt may trong hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động" – ông Phạm Văn Việt nói.

Là một chuyên gia về nhân sự, qua ghi nhận và quan sát tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp Việt trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Talentnet, cho rằng hoạt động quản trị nhân sự của các doanh nghiệp đã có sự thay đổi.

Theo cuộc khảo sát gần đây của Talennet, trong quí đầu tiên, chỉ có 12% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy có tăng trưởng so với 2019, các doanh nghiệp còn lại đều sụt giảm doanh số, trừ một số lĩnh vực như y tế, tiêu dùng. Điều mà các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất hiện nay là làm sao có đủ nguồn thu để tồn tại và giữ nhân viên.

Khó khăn đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hóa, và do đó cần có nhiều kịch bản. Việc xây dựng kịch bản về nhân sự đóng vai trò rất quan trọng, có thể phải chia ra thành các phân đoạn chi tiết. Nếu doanh nghiệp đã bị thua lỗ thì cần cắt chi phí vận hành trước... Do đó, một kịch bản về nhân sự trong và hậu đại dịch luôn cần thiết cho doanh nghiệp, từ đó sẽ tránh được việc gây hoang mang cho người lao động, thể hiện sự không định hướng của tổ chức.