Dòng tiền của họ đã khiến giá cả trên thị trường bất động sản cấp cao của Trung Quốc nhích lên, đồng thời hỗ trợ các thị trường bất động sản ở châu Á vốn đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô mua bất động sản cao cấp ở trong nước và khắp châu Á, bao gồm Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia. Ảnh: Reuters
Giới đầu tư Trung Quốc "thèm muốn" bất động sản hạng sang ở châu Á
Trò chuyện với với hãng tin Bloomberg hôm 26-5, Monika Tu, người sáng lập Công ty kinh doanh bất động sản Black Diamondz (Úc), chuyên phục vụ nhu cầu mua bất động sản cao cấp của khách hàng Trung Quốc, nói: "Hoạt động mua bán diễn ra hết sức nhanh chóng".
Kể từ tháng 3, công ty của Monika Tu đã bán được 85 triệu đô la Úc (56,6 triệu đô la Mỹ) bất động sản cao cấp, trong đó, 50% đến từ các khách hàng Trung Quốc. Mức doanh số này tăng trưởng 25% so với hồi đầu năm. Các căn nhà mà Black Diamondz bán có giá dao động từ 7,25 đến 19,5 triệu đô la Úc và tất cả đều nằm ở các khu nhà giàu nhìn ra biển ở các vùng ngoại ô của Sydney.
Các lệnh phong tỏa đang được nới lỏng dần cho phép giới đầu tư có thể đến xem và hoàn tất các giao dịch mua bán ở các thành phố như Thượng Hải, Seoul và Sydney.
Tại Singapore, một điểm đến yêu thích khác của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, các chuyến tham quan ảo dự án bất động sản cao cấp và hình ảnh của chúng cũng đủ giúp họ nhanh chóng quyết định ký kết các thương vụ trị giá nhiều triệu đô la.
Trong quí 1-2020, khách hàng Trung Quốc tìm thông tin bất động sản ở Hàn Quốc tăng 180% so với quí 4 năm ngoái, trong khi đó, lượng khách Trung Quốc tìm thông tin về nhà ở tại New Zealand cũng tăng 75% trong cùng thời kỳ, theo dữ liệu từ Công ty bất động sản Juwai Iqi.
Ở chiều ngược lại, lượng khách Trung Quốc tìm kiếm thông tin bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua Juwai Iqi lần lượt giảm 32% và 18%.
Nhu cầu của giới nhà giàu đã hỗ trợ giá bất động cao cấp ở Trung Quốc và ngăn chặn đà giảm giá ở các thị trường bất động sản cao cấp khác bên ngoài nước này.
Giá nhà ở phân khúc cao cấp tại 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc tăng trung bình 1% trong tháng 4, chủ yếu nhờ mức tăng giá mạnh nhất trong 2 năm ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Thậm chí tại Singapore, nơi lệnh phong tỏa từng phần vẫn còn duy trì, hoạt động mua bán bất động sản đang sôi động trở lại trên các nền tảng giao dịch trực tuyến. Clarence Foo, nhà môi giới bất động sản tại Công ty ERA Realty Network, đơn vị thành viên của APAC Realty, cho hay trong tháng này, 3 khách hàng Trung Quốc đã mua 6 căn hộ với tổng trị giá 20 triệu đô la Singapore ở tổ hợp căn hộ cao cấp Marina One Residences mà không cần bất cứ chuyến tham quan ảo nào cả.
Trong số 3 khách hàng này, có 1 khách hàng chi 12 triệu đô la Singapore để mua 3 căn hộ có 3 phòng ngủ ở Marina One Residences, nằm cách tổ hợp khách sạn và sòng bài Marina Bay Sands chỉ 5 phút đi bộ.
"Một số khách hàng Trung Quốc có thể muốn chuyển nguồn vốn của họ sang các thị trường khác khi đồng nhân nhân tệ có thể giảm giá sâu hơn nữa và nền kinh tế trong nước suy yếu", Christine Sun, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu của Công ty OrangeTee & Tie Pte (Singapore), nói.
Chuyển hướng quan tâm từ Hồng Kông sang Singapore
Hồng Kông từng là địa điểm đầu tư bất động sản yêu thích của giới nhà giàu Trung Quốc nhờ nằm sát cạnh lục địa Trung Quốc và ít các rào cản về thị trường. Nhưng các cuộc biểu tình triền miên ở Hồng Kông đã khiến giới đầu tư xem Singapore như là điểm đến thay thế, dù nơi đây có mức thuế bất động sản cao hơn.
Giá nhà ở hạng sang ở Hồng Kông giảm 4,5% trong quí 1, cao gấp đôi so với mức giảm ở Singapore. Việc Trung Quốc đề xuất Dự luật an ninh Hồng Kông hồi tuần trước đang làm gia tăng các mối lo ngại về nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi trung tâm tài chính châu Á này.
Clarence Foo nói: "Giới đầu tư Trung Quốc xem thị trường bất động sản Singapore là nơi nương náu an toàn nhờ tính ổn định. Đó cũng là thị trường bất động sản được quản lý chặt chẽ hơn so với Hồng Kông".
Tổ hợp căn hộ cao cấp Marina One Residences ở Singapore. Ảnh: stackedhomes
Nhu cầu tìm mua bất động sản cao cấp bên ngoài các trung tâm tài chính châu Á của khách Trung Quốc cũng đang tăng. Chuyên gia môi giới bất động sản cao cấp Zulkhairi Anwar ở Công ty Azmi & Co (Malaysia), cho biết trong tháng này, ông đã dẫn 2 khách Trung Quốc đi xem các căn hộ và nhà bungalow (dạng nhà gỗ ở các khu nghỉ dưỡng) trong tầm giá từ 2-5 triệu đô la ở thủ đô Kuala Lumpur.
Hai vị khách hàng này đang lưu trú ở Malaysia khi các nước bắt đầu đóng cửa biên giới. Họ đi xem bất động sản ngay sau khi Malaysia nới lỏng lệnh phong tỏa.
"Tôi không nghĩ đại dịch Covid-19 sẽ ngăn cản giới đầu tư Trung Quốc quay trở lại Malaysia. Đối với họ, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Malaysia nằm ở chỗ lượng Hoa kiều sinh sống ở Malaysia khá đông, giúp họ dễ dàng hòa nhập cuộc sống nơi đây. Bên cạnh đó, bất động sản hạng sang của chúng tôi vẫn còn rẻ hơn so với những nơi khác như Sinagpore", Zulkhairi Anwar nói.
Gom mạnh căn hộ cao cấp ở trong nước
Giới nhà giàu Trung Quốc cũng bắt đầu mua bất động sản cao cấp trong nước sau khi các lệnh phong tỏa được dần nới lỏng cách đây 2 tháng.
Những căn nhà có giá 20 triệu nhân tệ (4,05 triệu đô la) ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc nằm trong số những căn nhà bán chạy nhất kể từ tháng 4 khi giới chức trách bắt đầu nới lỏng tín dụng để giúp khôi phục nền kinh tế, theo Công ty tư vấn bất động sản CRIC (Trung Quốc).
Tại Thâm Quyến, các nhà phát triển bất động sản đã bán được số căn hộ cao kỷ lục hồi tháng trước. BayHouse, một dự án căn hộ cao cấp ở khu thương mại tự do Tiền Hải, Thâm Quyến, đã bán được 135 căn hộ với giá bán tối thiểu 3 triệu đô la mỗi căn. Nhu cầu bùng lên quá nhanh khiến bên bán bỏ chương trình khuyến mãi ban đầu cho phép khách hủy hợp đồng mua mà không cần bồi thường.
Dự án Oriental Garden ở Thượng Hải chứng kiến nhu cầu mua vượt xa nguồn cung gấp 5 lần ở phân khúc căn hộ có giá bán 2,4 triệu đô la. Các căn hộ ở dự án chung cư cao cấp Green Residence ở thành phố này cũng bán hết sạch trong vòng một ngày dù người mua chỉ được phép xem các căn hộ mẫu qua mạng.
"Những khách hàng này đang gia tăng nắm giữ các tài sản an toàn thông qua kênh bất động sản khi nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và lạm phát gia tăng. Họ cho rằng bất động sản là tài sản phòng thủ tốt nhất chống lại lạm phát hoặc dự báo rằng, nhà chức trách Trung Quốc cuối cùng phải nới lỏng các hạn chế trên thị trường bất động sản để củng cố nền kinh tế", Yang Kewei, Giám đốc nghiên cứu ở CRIC, nói.