Hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi?

14/05/2020 13:10 GMT+7

Nhu cầu đi du lịch sau dịch Covid-19 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, sau thời gian người dân phải hạn chế tiếp xúc, thực hiện giãn cách xã hội. Lúc này, kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng trở nên hấp dẫn hơn với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Dù du lịch, nhà hàng, khách sạn… là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 và được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng với thị trường Việt Nam, nhờ các biện pháp ứng phó nhanh chóng và kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia khác và du lịch – nghỉ dưỡng đang là ngành có sự phục hồi mạnh mẽ nhất.


Hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi? - Ảnh 1.

Du lịch nghỉ dưỡng có lợi thế

Anh Ngọc Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa đặt thành công chuyến du lịch đến Phú Quốc cho cả gia đình vào cuối tháng 5-2020 để thư giãn sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, hạn chế cách ly. Chọn lưu trú ở một khách sạn 5 sao, anh Thanh cho biết nhu cầu của gia đình lúc này là nghỉ dưỡng, tận hưởng không khí trong lành của biển, của thiên nhiên tươi đẹp và đặc biệt là có cảm giác an toàn.

Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của du khách cũng gia tăng sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Những điểm đến du lịch uy tín, an toàn, gần biển, khách sạn, resort đầy đủ tiện nghi… được lựa chọn nhiều. Trong ngắn hạn, khách du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ là phân khúc đầu tiên của doanh nghiệp du lịch.

Hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi? - Ảnh 2.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương: "Nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ, tiếp sau đó là việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch. Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phụ hồi sau đại dịch" - ông Mauro Gasparotti nhận định.

Thực tế, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua đã gây bất ngờ khi lượng khách đổ về nhiều điểm du lịch tăng đột biến, thậm chí xảy ra tình trạng kẹt xe, cháy phòng - điều vốn không ai ngờ sau giai đoạn giãn cách xã hội. Và điều này cũng cho thấy bức tranh khả quan của ngành du lịch nội địa, trước nhu cầu rất lớn của du khách. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón và phục vụ tới 89 triệu lượt khách trong nước, con số đầy tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác.

Cũng sau đợt dịch này, với những nỗ lực và thành công trong kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch như một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế, sớm thu hút trở lại dòng khách truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…

Và trong xu hướng hồi phục, phát triển của du lịch, theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn.

Bất động sản nghỉ dưỡng: Chưa bao giờ hết hấp dẫn

Trên thế giới, bất động sản nghỉ dưỡng từ lâu đã là một kênh đầu tư được ưa chuộng vì sự an toàn và mang lại lợi nhuận ổn định trong dài hạn.  Nếu nhìn vào khả năng phục hồi nhanh chóng của du lịch nội địa, những khách sạn, resort ở các vị trí đẹp, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế thường xảy ra tình trạng "cháy phòng"…, có thể thấy tính khả thi và sự hấp dẫn của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi? - Ảnh 3.

Đến nay, pháp lý của condotel đã được công nhận và chủ sở hữu sẽ được cấp "sổ hồng" cho phân khúc bất động sản này trong 50 năm, sau đó có thể gia hạn. Nếu so với một số nước trong khu vực, chính sách này thực tế cũng rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Nếu nhìn vào những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai thời gian qua, sẽ thấy sự nổi bật ở góc độ nhà đầu tư thực hiện dự án. Trên thực tế, các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thường đòi hỏi số vốn lớn, trường vốn trong thời gian nhất định nên không nhiều doanh nghiệp "chen chân" được vào phân khúc này. Một số chủ đầu tư đã "thử sức" nhưng rồi cũng phải sớm rời khỏi thị trường khi không còn đủ lực. Một chuyên gia am hiểu thị trường phân tích, dịch Covid-19 vừa qua lại một lần nữa sàng lọc các doanh nghiệp tham gia thị trường, một số chủ đầu tư tạm ngưng chi trả cam kết lợi nhuận hoặc chuyển sang hình thức quy đổi thành sản phẩm, chỉ còn một số ít vẫn duy trì được lời hứa, chẳng hạn như Vinpearl vẫn đang cam kết được mức lợi nhuận 10%/năm...

Do đó, khi xác định đã bỏ tiền tỷ, nhà đầu tư cũng cần tính toán kỹ lượng chọn những đơn vị uy tín, tài chính vững mạnh, hội tụ các yếu tố: có khả năng phát triển các dự án BĐS ở những vị trí du lịch đắc địa; vận hành chuyên nghệp các khu nghỉ dưỡng để thu hút khách thuê; có năng lực quản lý tốt trong thời gian dài... thì mới mong trụ vững.

"Nhà đầu tư phải chọn đầu tư cùng với những doanh nghiệp lớn và khi đó nhà đầu tư đang "đứng trên vai những người khổng lồ" để hưởng lợi, chẳng hạn như Vinpearl thì họ có Vingroup, Vinhomes đứng đằng sau và hợp tác chiến lược với các hãng hàng không; Crystal Bay có điểm tựa dịch vụ lữ hành và kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng...  Chưa kể, nếu chọn mua dự án của chủ đầu tư uy tín, người mua sẽ không phải lo nghĩ về lợi nhuận vì đã yên tâm có một khoản cam kết hàng năm, bên cạnh một đội ngũ chuyên nghiệp vận hành, hỗ trợ kinh doanh" – vị chuyên gia thị trường này nhận định.