Không được ưu đãi lãi vay, người mua, thuê nhà ở xã hội chịu thiệt

16/09/2021 22:34 GMT+7

Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, người vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội sẽ không còn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi lãi vay....

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hiện đang được lấy ý kiến góp ý, cơ quan quản lý đề xuất nhiều điểm đáng chú ý.

Không được ưu đãi lãi vay, người mua, thuê nhà ở xã hội chịu thiệt - Ảnh 1.

Quyết định số 2195/QĐ-NHNN quy định từ 2021, lãi suất của các TCTD chỉ định cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là 4,8% năm; khách vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,3%/năm; lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà theo quy định là 4,8%/năm (ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách Xã hội)


Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là sửa đổi đối tượng được vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở và loại trừ người vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội bởi luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Như vậy, điểm mới sửa đổi theo dự thảo vừa được ký hôm 30/8/2021 là số tiền và thời hạn vay.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Như vậy phải cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ nhà ở giá rẻ mới có thể đáp ứng. Số lượng dự án nhà ở xã hội thống kê tại quý III/2020 chỉ đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu.


Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở sẽ do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ, thay vì Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Và lãi suất cho vay ưu đãi đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ, thay vì quy định các ngân hàng trên thị trường.

Theo đề xuất trên của Ngân hàng Nhà nước, 10 nhóm đối tượng căn cứ theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ khi vay mua, thuê nhà ở xã hội trong đó có những nhóm đặc biệt như người có công với cách mạng, nhóm có thu nhập, nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp... đều sẽ bị hạn chế tiếp cận tín dụng ưu đãi nhằm mua thuê, nhà ở xã hội theo mục đích hỗ trợ an sinh, an cư được đề ra.

Trước đó, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước khi ban hành cho thấy, nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, Hà Nội bán sai đối tượng, với hàng trăm người có nhà vẫn mua được nhà ở xã hội. Giới chuyên môn cho rằng đây là kết quả phản ánh thực tế và nó cũng cho thấy những bất cập nhất định trong quy định về hồ sơ, thủ tục mua nhà ở xã hội cũng như có vấn đề ở khâu thẩm định, xét duyệt hồ sơ.

Không được ưu đãi lãi vay, người mua, thuê nhà ở xã hội chịu thiệt - Ảnh 2.

Không phải dự án nhà ở xã hội nào cũng xuất hiện người sở hữu, thuê lại là đối tượng đã có nhà ở. (ảnh: HQC Nha Trang, một trong những dự án gắn với nhiều người thu nhập thấp tại địa phương)


Tuy nhiên, một chuyên gia nhận định sơ bộ về dự thảo Thông tư sửa đổi vừa chính thức được đưa ra lấy ý kiến, loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất là quy định rất cần được xem xét toàn diện. Bởi cũng trên thực tế, rất nhiều người nghèo có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng lại không tiếp cận được vốn ưu đãi. Nguyên nhân chính là trong nhiều trường hợp, để phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án đã thế chấp dự án để gọi vốn từ các ngân hàng khác, do đó khi người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ dự án đã thế chấp. Việc giải chấp phức tạp, rất mất thời gian.

Song song đó tại các đô thị lớn nơi nhu cầu mua nhà ở xã hội là các dạng căn hộ trong dự án rất lớn (phù hợp tiết kiệm quỹ đất), thì nhiều người muốn vay vốn để sửa chữa hay xây nhà theo quy định phải có hộ khẩu cư trú hợp pháp, những người dân chưa có hộ khẩu cư trú cần làm thủ tục chuyển đổi... trong khi đó không ít người là cư dân nhập cư từ các địa phương khác về đây làm việc. Theo đó, các quy định này đều khiến họ gặp khó khăn trong đáp đứng đủ thủ tục hồ sơ xin vay vốn, mua nhà.

"Trước đây, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay, nay dự thảo sửa đổi hướng đến ưu tiên cho đối tượng này để thúc đẩy, khuyến khích nguồn cung nhà ở xã hội là phù hợp. Song lại "bóp nghẹt" nguồn "đầu ra" của nhà ở xã hội khi người dân có nhu cầu vay, thuê và đúng đối tượng quy định cũng không được tiếp cận ưu đãi lãi suất, thì e rằng "tháo chỗ này, siết chỗ khác" cực đoan một phía sẽ lại khiến chiến lược nhà ở xã hội có chỗ "vênh". Nên chăng cần có sự cân đối và đặc biệt, cần xem lại về quy định hồ sơ xét điều kiện mua nhà ở cũng như xét vay để mua, thuê nhà ở xã hội", chuyên gia đánh giá.