Nguyễn Thanh Thảo, 38 tuổi, sang Mỹ từ năm 2005. Người phụ nữ quê Thái Bình sống và làm việc tại thành phố San Diego, bang California cùng với gia đình bảy thành viên.
Từ nhỏ, chị Thảo đã là người yêu thiên nhiên, cây cỏ. Khi mua nhà tại Mỹ, chị thích nhà phải có vườn, có cây để thỏa mãn đam mê trồng trọt. Thảo kể: "Lúc mới sang Mỹ, tôi rất nhớ nhà và thèm các món ăn Việt Nam. Vì vậy, để cải thiện bữa ăn và thỏa mãn sở thích, tôi đã làm nông tại nhà".
Ngoài diện tích nhà ở, mảnh vườn của gia đình chị Thảo rộng gần 450 m2, chia làm 4 phần: vườn trước nhà, vườn sau nhà và 2 mảnh vườn nhỏ bên hông nhà. Lúc mới mua, vườn trước là một thảm cỏ xanh mướt, nhưng chị quyết định lột bỏ để trồng cây.
Vì mảnh vườn nằm sát đường đi bộ, nhiều người qua lại nên chị cắm hàng rào, trồng hoa hồng xung quanh vừa tạo cảnh quan đẹp mắt, vừa có thêm hàng rào bằng hoa che chắn cho rau và trái cây trong vườn.
Miền nam Califonia là vùng núi nhiều sỏi đá, đất sét. Để trồng được những cây to, chị Thảo và gia đình phải cải tạo và thay rất nhiều đất mới, có khi phải đào hố, tưới nước vào hố để làm mềm đất trước khi cậy sỏi đá. Có những hố phải đào sâu cả mét để đổ đất mới và phân bón trước khi trồng cây xuống. Vì vợ chồng chị Thảo hàng ngày vẫn đi làm nên để đào được một hố sâu có khi mất cả mấy ngày mới hoàn thành.
Khu vườn trước nhà, chị Thảo chọn những giống cây lùn để cây không mọc quá cao, che khuất ngôi nhà như hoa dâm bụt, loa kèn, ngô, hồng táo... Ngoài ra chị còn trồng thêm đào, quất để mỗi khi Xuân về, từ ngoài nhìn vào ngôi nhà ngập tràn hương sắc Tết Việt.
Khu vườn phía sau nhà có diện tích rộng hơn, xung quanh trồng các loại cây trái lâu năm. Giữa vườn, chị Thảo giữ lại khoảng sân rộng để làm chỗ vui chơi cho các con hoặc mở tiệc cuối tuần thiết đãi bạn bè. Tại mảnh vườn này, chị trồng rất nhiều các loại cây thuần Việt, phù hợp với khí hậu California như: nhót, cam, xoài, bưởi, táo tàu, thanh long, nhãn, đào, bơ, mận, na, roi… Những loại rau thuần Việt nhất như khoai lang, củ dong, hoa thiên lý cũng phát triển tốt tại đây.
Hai bên hông nhà, bầu, bí, mướp, khổ qua được chị Thảo làm giàn, cho cây leo. Phần đất phía dưới, chị trồng một số loại rau ngắn ngày như rau ngót, mồng tơi, rau dền, cà pháo, rau muống, các loại rau thơm… Chị trồng rau trái theo mùa, vừa hạn chế sâu bệnh, vừa có thực phẩm sạch dùng quanh năm.
Hàng ngày, ngoài việc tưới nước, chị còn tranh thủ lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi đi làm về để thụ phấn cho một số cây như bầu, bí, mãng cầu. Vườn nhà chị Thảo chủ yếu dùng các loại đất, phân bón, thuốc chữa bệnh… bằng chất hữu cơ nên chất lượng luôn đảm bảo, không sợ tồn dư những chất độc hại cho cơ thể.
Để vườn cây phát triển xanh tốt ra hoa trái, chị Thảo sử dụng phân bò, gỗ mục, đất tốt số lượng bằng nhau trộn đều rồi bỏ xung quanh gốc cây cứ ba tháng một lần. Cuối đông để cho tốt rễ và cây ra nhiều hoa vào mùa xuân, chị bón thêm phân có chỉ số phốt pho cao. Khi hoa nở, tưới phân NPK liên tục trong vòng một tuần, giúp hoa đậu trái nhiều hơn. Với rau, để lá nhiều và xanh tốt, chị Thảo bón phân cao đạm từ 2-4 tuần một lần.
Để có được những giống cây quý cũng như học hỏi cách trồng và chăm sóc cây, chị Thảo tham gia nhiều hội nhóm trồng cây của người Việt tại Mỹ. Cứ đi đâu hoặc tìm hiểu thấy có những giống cây hợp khí hậu mà thuần giống Việt là chị mua. Lâu dần trong vườn nhà có đủ loại trái cây, rau củ Việt Nam.
Nhờ "mát tay", vụ nào gia đình chị cũng thu hoạch nhiều rau củ đến nỗi ăn không hết, thường gửi tặng người thân và bạn bè.
Khu vườn không chỉ là nơi thoả mãn ước mơ trồng trọt từ thủa bé, mà còn giúp chị giải toả được những căng thẳng, bộn bề trong cuộc sống cũng như công việc. Đây cũng là không gian xanh để cả nhà quây quần, trò chuyện mỗi lúc rảnh rỗi.
Do dịch Covid-19, hơn một năm nay các bé nhà chị Thảo không được đến trường nên ngoài giờ học online, ba cô bé đều thích ra vườn phụ mẹ nhổ cỏ, bắt sâu, hái rau trái. Các bé cũng thích ăn những món thuần Việt như rau đay mồng tơi ăn cùng cà pháo, rau ngót nấu thịt bằm, thậm chí cả gà tần ngải cứu hay canh cá, bún bung của người Thái Bình.
"Từ nhỏ được làm quen và thưởng thức các loại rau củ mang đậm chất quê hương nên các bé cũng gần gũi bản sắc dân tộc Việt Nam hơn", chị chia sẻ.
Mười sáu năm sống xa Việt Nam, nhưng nhờ có mảnh vườn với đủ loại cây trái, rau cỏ, chị Thảo luôn có cảm giác quê hương ở đâu đó quanh mình. Bởi vậy ngoài giờ làm việc, mỗi khi trở về nhà, được làm nông dân mang lại cho chị niềm vui, hạnh phúc và tiếng cười.