Làm sổ đỏ cho đất xen kẹt như thế nào?

09/07/2020 19:24 GMT+7

Cụm từ "đất xen kẹt" chẳng còn xa lạ gì với giới đầu tư bất động sản. Quá trình độ thị hoá càng bùng nổ thì càng hình thành nhiều các khu đất xen kẹt. Vậy, làm sổ đỏ đất xen kẹt có khó không?Bất động sản - Làm sổ đỏ cho đất xen kẹt như thế nào?

Làm sổ đỏ cho đất xen kẹt như thế nào? - Ảnh 1.

Làm sổ đỏ cho đất xen kẹt như thế nào? (Ảnh minh họa)

Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt

Trong Luật đất đai năm 2013 không có khái niệm nào về đất xen kẹt. Đất xen kẹt được hiểu là đất vườn, đất nông nghiệp (chưa được công nhận là đất ở) nằm trong khu dân cư, hoặc đất dư sau quy hoạch. Những loại đất này thường không có sổ đỏ, chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay.

Đất xen kẹt gồm có 3 loại sau: (1). Đất vườn, ao liền kề với đất ở; (2). Đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư; (3). Đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư.

Điều kiện chuyển đổi mục đích:

+ Đất không thuộc diện vi phạm quy hoạch, không thuộc diện lấn chiếm, đất sử dụng cho mục đích công cộnng, đất nông nghiệp do hợp tác xã và các tổ chức đang quản lý giao cho các hộ gia đình xã viên sử dụng;

+ Hiện đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện; Có diện tích đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở (Tùy thuộc vào mỗi địa phương/tỉnh/thành nơi có đất quy đinh).

+ Hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là người chấp hành tốt pháp luật về đất đai ở địa phương, có văn bản cam kết bàn giao cho các tổ chức quản lý chuyên ngành phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, kênh mương, di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninhquốc gia, thoát lũ..; bàn giao cho UBND xã phường, thị trấn diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch, lối đi chung; nộp nghĩa vụ tài chính khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Hồ sơ để xin chuyển mục đích sử dụng từ đất xen kẹt (1 bộ) nộp tại Phòng TN&MT quận, huyện bao gồm:

+ Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu)

+ Phương án sản xuất kinh doanh (nếu chuyển sang đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh).

+ Trường hợp xây nhà ở để bán phải thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.

+ Bản sao giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quyền sử dụng thửa đất (nếu có).

+ Bản sao hộ khẩu thường trú và chứng minh thư của người xin chuyển mục đích.

+ Văn bản cam kết (nêu ở phần trên).

Nếu đủ điều kiện phòng Tài nguyên và Môi trường lập tờ trình để Chủ tịch UBND Quận, Huyện ra quyết định cho phép chuyển mục đích và cấp giấy chứng nhận (các công vụ trên thực hiện trong thời gian 30 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian bổ sung, giải trình hồ sơ).

Cũng xin lưu ý, đất xen kẹt là loại đất có khá nhiều rủi ro nên trước khi mua để chuyển mục đích sử dụng người dân nên xem xét kĩ đây có phải loại đất xen kẹt không, quy định quy hoạch của địa phương nơi có đất.

Cách tính tiền phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất 2020

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng như sau:

1. Thu bằng 50% mức chênh lệch tiền sử dụng đất

Trường hợp áp dụng:

+ Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở;

+ Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Trong trường hợp trên thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thu 100% mức chênh lệch tiền sử dụng đất

Trường hợp áp dụng: Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở.

Thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở

Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài trước ngày 01/7/2004 mà không phải là đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, khi chuyển mục đích sang đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014, khi được chuyển mục đích sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:

Tiền sử dụng đất = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại

- Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, khi được chuyển mục đích sang đất ở đồng thời với chuyển từ thuê đất sang giao đất thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở trừ (-) tiền thuê đất phải nộp một lần tính theo giá đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở dưới hình thức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì thu tiền sử dụng đất bằng 100% tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai của người sử dụng đất sang đất ở thì căn cứ vào nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng để thu tiền sử dụng đất.

Trên đây chỉ là quy định về cách tính tiền sử dụng đất, để biết rõ số tiền phải nộp thì phải có các dữ liệu quy định về cách tính tiền sử dụng đất (như phần trên) và phải biết rõ tiền sử dụng đất từng loại đất theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.