Ảnh minh họa
Theo báo cáo mới nhất của JLL, tại thị trường TP HCM, giá các dự án nhà chung cư chào bán ra thị trường sơ cấp ghi nhận mức giá trung bình 2.423 USD mỗi m2, tăng hơn 17% theo năm. Điều này cho thấy, giá bất động sản tại thành phố này không hề hạ nhiệt như kỳ vọng của nhiều người mua nhà thời dịch Covid-19.
Còn tại thị trường Hà Nội, kể từ quý I/2020 đến nay giá bất động sản mỗi tháng một khác. Đặc biệt là đối với các dự án có quy mô lớn giá mỗi m2 được tính với giá 35 triệu/m2 trở lên. Giá chung cư đang bị đẩy lên mặt bằng giá mới.
Khảo sát trên thị trường bất động sản tại hai thành phố lớn cũng cho thấy, phân khúc chung cư bình dân không xuất hiện. Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%. Chẳng có doanh nghiệp bất động sản nào giảm giá bán để kích cầu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại TP HCM tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản, tại thị trường TP HCM, 10 dự án đang giao dịch, giá thấp nhất 41 triệu đồng/m2, có dự án ở quận 9 xa trung tâm bắt đầu chào bán thiết lập luôn 50 triệu đồng/m2.
"Chúng tôi cho rằng đang định hình giá mới ở TP HCM, điều này đặc biệt nguy hiểm cho người khó khăn về nhà ở, nếu nguồn hàng tiếp tục khan hiếm, thị trường này sẽ rơi vào bong bóng, giá ảo" - ông Đính khẳng định.
Riêng về vấn đề nhà ở bình dân không xuất hiện trong quý III, ông Đính nhìn nhận, nếu theo xu hướng này, nửa năm nữa sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, không còn nhà ở cho người nghèo, chỉ còn nhà ở cho người giàu.
Báo cáo của CBRE về triển vọng thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo hầu hết các mảng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên một số lo ngại cũng đặt ra, thị trường nhà đất đang có quá nhiều biểu hiện đáng lo, sợ nhất là bong bóng bất động sản. Giá chung cư đang vượt xa giá trị thực của nó, dẫn tới tính trạng nhiều nhà có nhu cầu mua nhà để ở nhưng không thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó, lật lại lịch sử thị trường nhà đất cho thấy, hiện tượng bong bóng nhà đất xảy ra theo chu kỳ bất động sản 10 năm. Sau sự kiện vỡ bong bóng bất động sản năm 2010- 2011, đến năm 2019 là lúc thị trường có dấu hiệu sa sút mạnh với nhiều biến động tiêu cực. Nay thị trường lại tăng nóng bất chấp dịch Covid-19.