Đã xảy ra nhiều tình trạng lừa đảo và thổi giá đất do ai cũng có thể làm môi giới bất động sản ẢNH: SƠN SƠN
Trước tình trạng nở rộ lừa đảo trong rao bán nhà đất, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có hình thức chế tài đủ mạnh, thậm chí xử lý hình sự đối với nhân viên môi giới, những người trực tiếp giới thiệu nhà đất đến khách hàng.
Lãnh đạo một công ty môi giới có tiếng ở TP HCM cho biết thời gian qua các công ty môi giới bất động sản mọc lên như nấm sau mưa. "Giờ ra đường gặp tổng giám đốc, CEO "đông như quân Nguyên", nhiều công ty không có trụ sở mà hoạt động chủ yếu ở quán cà phê. Nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới nên mới có chuyện lừa đảo, thổi giá đất gây sốt đất khắp nơi. Như mới đây nhất xảy ra tình trạng sốt đất ở xã Bình Ba và TT.Ngãi Giao (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khi chỉ trong vòng mấy ngày giá đất đã tăng 2 - 3 lần.
Việc giá đất tăng chóng mặt, vô lý là do một nhóm các đầu nậu cấu kết với cò đất để thổi giá. Cơn sốt này đã làm cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng và gây nhiều bất ổn cho xã hội. Tuy nhiên, việc này không được cơ quan chức năng xử lý thích đáng.
Hiện nay, có rất nhiều công ty áp dụng mô hình cộng tác viên không trả lương. Theo đó, một cá nhân có thể làm việc cùng lúc ở 5 - 6 công ty, nơi nào có sản phẩm thì họ tự do đến bán. Họ có thể sử dụng tài nguyên, thông tin của công ty này nhưng lại phục vụ cho bán hàng ở công ty khác.
Thực tế cho thấy không có nhiều đơn vị quan tâm đến vấn đề này. Luật hiện hành vẫn có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe nên để xảy ra tình trạng loạn môi giới, lừa đảo nở rộ nhất là ở các tỉnh vùng ven", vị này cho biết và kiến nghị nhà nước có thể xem xét khung chế tài từ phạt hành chính đến chịu trách nhiệm trước pháp luật, nâng mức xử phạt phù hợp với mức độ rủi ro xảy ra để tăng tính nghiêm khắc.
Mặt khác, có thể xem xét hình thức phạt rút giấy phép hành nghề đối với các tổ chức cá nhân có vi phạm ở mức độ phù hợp.
Ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận các vấn đề sai phạm vẫn xảy ra trên thị trường. Bên cạnh quy định xử phạt chưa quyết liệt thì hiện nay chưa có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể cho người hành nghề môi giới.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Phạm Lâm, nghề môi giới cần phải có mã số hành nghề được cấp bằng thẻ cho những cá nhân đã trải qua đào tạo chính quy và mã số hành nghề này phải được áp dụng thực tế trong mọi hoạt động liên quan đến nhà môi giới.
"Bộ Xây dựng cần quy định môi giới làm việc qua phòng công chứng phải để lại mã số hành nghề. Hiện nay, giao dịch mua bán diễn ra tại phòng công chứng chỉ xuất hiện 3 bên trên văn bản hành chính bao gồm: bên mua, bên bán, phòng công chứng. Trong khi đó môi giới cũng có vai trò liên quan mật thiết nhưng lại không có thông tin. Mặt khác, việc cấp mã số hành nghề cho môi giới và để lại mã số ở mỗi giao dịch bắt buộc có thể theo dõi được thu nhập phát sinh của người hành nghề. Đây cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thuế thu nhập cá nhân, hạn chế tình trạng lách thuế", ông Lâm nói.