Trong một buổi tư vấn nghề nghiệp trực tuyến cho các bạn sinh viên Đông Nam Á, tôi nhận được câu hỏi từ nhiều sinh viên Việt Nam bày tỏ trăn trở về triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp. Trò chuyện sâu hơn về những trăn trở này, tôi được biết các bạn đang theo học những chuyên ngành mà không chỉ tôi mà các tư vấn viên khác, cũng như các bạn sinh viên từ các quốc gia láng giềng, đều nhận định là "hiếm" và "hẹp" ở bậc giáo dục đại học: Ngân hàng Quốc tế, Ngân Hàng Đầu tư và Thị trường Chứng khoán,...
Ban đầu, tôi đã nghĩ các bạn miêu tả về các định chế tài chính và yêu cầu đầu vào của các định chế này, tuy nhiên, tôi dần nhận ra, đây là các chuyên ngành các bạn đang theo học, và để lại nhiều ưu tư cho các bạn về khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng khi tốt nghiệp.
Ngành hẹp là những ngành mà chương trình đào tạo chỉ tập trung vào một chủ thể hoặc nghiệp vụ cụ thể trong khối kiến thức chuyên ngành. Ngành hẹp thường phổ biến ở các bậc học từ Thạc sỹ trở lên khi sinh viên đã trải qua giai đoạn đào tạo chuyên ngành ở bậc đại học, đã đi làm và xác định được nghề nghiệp chuyên môn hoặc hướng nghiên cứu cụ thể. Trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, nếu như chuyên ngành Tài chính và Ngân Hàng là hai chuyên ngành phổ biến, thì các chuyên ngành hẹp và chuyên sâu hơn như Ngân hàng Quốc tế, Ngân hàng Đầu tư và Thị trường Chứng khoán, từ lăng kính giáo dục quốc tế, được coi là hiếm và hẹp ở bậc giáo dục đại học.
Không thể phủ nhận vai trò của ngành hẹp trong việc cung cấp kiến thức đặc biệt chuyên sâu cho đối tượng người học. Dưới một góc độ nhất định, việc theo đuổi ngành hẹp có thể giúp người học có được những lợi thế trong quá trình tìm kiếm việc làm và trong những năm đầu sự nghiệp, đặc biệt là đối với những công việc chuyên môn trùng khớp với những gì mà người học đã được đào tạo.
Tuy nhiên, ngành hẹp cũng có những hạn chế cố hữu.
Tính nội địa của ngành học: Kinh nghiệm trong gần một thập kỷ sống và làm việc tại Anh cho thấy, các ngành hẹp không tồn tại trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng trong hệ thống giáo dục bậc đại học của Vương quốc Anh, cũng như các quốc gia phát triển trên thế giới. Đối với giáo dục bậc đại học, chuyên ngành thường được thiết kế hướng vào một chuyên môn, hoặc sự kết hợp của các chuyên môn, tương đối rộng như Kinh doanh, Kinh tế, Thương mại, Tài chính, Kế Toán, và Đầu tư. Điều này vô hình dung đặt ra một thách thức đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành hẹp tại Việt Nam trong quá trình hội nhập: chuyên ngành mà các sinh viên tốt nghiệp không tồn tại ở các quốc gia khác và xa lạ với nhà tuyển dụng. Hệ quả nhãn tiền là chuyên ngành mà các bạn học có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy băn khoăn, và có thể dẫn đến quan ngại về những gì sinh viên đã được học, bao gồm quan ngại về chương trình đào tạo chỉ có ở Việt Nam, và không có tính đồng nhất đối với hệ thống giáo dục đại học của các nước trong việc trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc.
Sự thiếu nhất quán về tiêu chuẩn kiến thức: một bài toán đặt ra khi đào tạo chuyên ngành hẹp trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, liệu tiêu chuẩn kiến thức đào tạo có tiệm cận với các nước đi trước và tạo ra lợi thế cạnh tranh với sinh viên sau khi ra trường? Lấy ví dụ về chuyên Ngành Ngân hàng Đầu tư, tôi tin rằng gần như tất cả những chuyên gia trong ngành mà tôi biết đều không tốt nghiệp từ chuyên ngành Ngân hàng Đầu tư, đơn giản là vì tại quốc gia mà họ được đào tạo không tồn tại chuyên ngành này. Như vậy, gần như sẽ không có một chuyên ngành tương tự để làm cơ sở so sánh. Bên cạnh đó, câu hỏi cũng sẽ được đặt ra về tiêu chuẩn Ngân hàng Đầu tư được đưa vào quá trình giảng dạy: liệu tiêu chuẩn giảng dạy là về điều hành hoạt động, nghiệp vụ chuyên môn hay hoạch định chiến lược của Ngân hàng Đầu tư? Liệu Ngân hàng Đầu tư được nói đến ở đây là một định chế tại Anh, Châu Âu, Mỹ, Trung Đông hay Đông Nam Á? Liệu sinh viên ra trường trong ngành này nếu xác định làm việc tại công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, hoặc bộ phận Phát triển Doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực Quản trị đối với khối điều hành và chiến lược, và lĩnh vực Tài Chính đối với khối nghiệp vụ?
Tính không đồng nhất với mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính và hội nhập trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng của Việt Nam: Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính đặt ra yêu cầu lớn về đào tạo nguồn nhân lực mạnh trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và các chủ thể trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập đòi hỏi việc đào tạo trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng phải tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế của các nước đã đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo bậc đại học trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Việc triển khai và giảng dạy các chương trình mang tính nội địa và hẹp, như các chương trình tập trung vào một nghiệp vụ cụ thể như Ngân hàng Thương mại, và Ngân hàng Đầu tư,… sẽ đối diện với ba thách thức lớn trong mục tiêu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng trung tâm tài chính và hội nhập quốc tế: (i) làm sao để phát triển và hội nhập khi tư duy và kiến thức của sinh viên bị giới hạn vào một chuyên ngành hẹp, (ii) hội nhập như thế nào khi chương trình học mang tính nội địa và không có chuẩn quốc tế tương đương để so sánh và (iii) tính cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm việc làm liệu có được đảm bảo đối với các sinh viên được đào tạo theo các chương trình tiên tến và được tham khảo – học tập từ các quốc gia đi trước.
Ở đây tôi không bàn đến việc từng mô đun trong chương trình đào tạo có thể được học tập từ các chuyên ngành khác tại các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới. Điều tôi băn khoăn là liệu việc góp nhặt các mô đun môn học để tạo ra một chuyên ngành hẹp có phục vụ được mục tiêu giáo dục và không bị trùng lặp với các chuyên ngành khác?
Lời kết
Quay trở lại cuộc trao đổi với sinh viên trong buổi tư vấn nghề nghiệp, lời khuyên tôi đưa ra là triển vọng nghề nghiệp phụ thuộc nhiều vào tư duy, kỹ năng mềm cũng như các mối quan hệ mà các bạn sinh viên tạo dựng và phát triển trong quá trình học. Tuy nhiên, thiết nghĩ ở Việt Nam khi mà công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, các nhà giáo dục đại học cần cân nhắc về sự cần thiết của các chuyên ngành hẹp ở bậc giáo dục đại học trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng và tác động của các chuyên ngành này đối với khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên khi tra trường.
Cá nhân tôi cho rằng các chuyên ngành hẹp gần như làm thay nhiều phần việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đối với các định chế tài chính nơi mà các nghiệp vụ đã được chuẩn hóa qua hàng thập kỷ phát triển, phần việc được làm thay này của các nhà giáo dục đại học gần như chưa chuẩn mực và chưa phản ánh đúng thực tiễn nghiệp vụ tại các định chế tài chính.