Nhà đầu tư nên bắt đáy hay cắt lỗ lúc này?

21/07/2021 10:51 GMT+7

Rủi ro vẫn còn, song các chuyên gia cho rằng mức định giá thị trường đủ hấp dẫn để mua thăm dò nhưng không nên dùng tiền vay.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên nhiều kỷ lục, trong đó có những kỷ lục "đáng quên". VN-Index có mức giảm trong phiên lớn nhất trong lịch sử hơn hai thập kỷ đi vào hoạt động, mất hơn 75 điểm. Dù thu hẹp đà giảm nhờ lực cầu trong phiên ATC, vốn hoá thị trường vẫn "bốc hơi" 190.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước, tương đương 8,3 tỷ USD. So với cuối tháng 6, giá trị vốn hóa giảm lên đến 420.000 tỷ đồng.

Trong nhóm vốn hóa lớn, 26/30 mã trong VN30 chốt phiên dưới tham chiếu. Tính riêng 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất có tổng giá trị 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm 48,47% vốn hoá trên HoSE, có đến 9 mã giảm.

Nhà đầu tư nên bắt đáy hay cắt lỗ lúc này? - Ảnh 1.

VN-Index giảm gần 76 điểm vào phiên chiều ngày 12/7, mức giảm tuyệt đối cao nhất trong hơn hai thập kỷ hoạt động. Ảnh: Minh Sơn.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường hôm qua (12/7), không ít nhà đầu tư đã bị thua lỗ và đứng trước những lựa chọn khó. Nên cắt lỗ hay tiếp tục mua vào vừa trung bình giá xuống, vừa "dò đáy"?


Trước khi đi vào trực tiếp câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, diễn biến của phiên giảm hôm qua nên được nhìn theo nhiều góc độ hơn. Đầu tiên là nguyên nhân khiến thị trường giảm vẫn đến từ lo ngại của nhà đầu tư với diễn biến phức tạp của Covid-19, ảnh hưởng của đại dịch đến kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp.

Nguyên nhân này không chỉ xuất hiện ở phiên 12/7 mà còn là lý do nhiều lần thị trường giảm kỷ lục. Lần gần nhất VN-Index rơi mạnh như hôm qua là phiên 28/1.

Tuy nhiên, theo ông Minh, phiên 12/7 có phần tích cực hơn khi vẫn còn những mã bluechip, những nhóm ngành, như bán lẻ, tiêu dùng, dầu khí, giữ sắc xanh, thay vì cùng một trạng thái bán tháo diện rộng như phiên cuối tháng 1. Mức độ giảm giữa các nhóm cổ phiếu cũng khác nhau, cho thấy lực cầu vẫn xuất hiện ở một số nhóm.

Ngoài ra, thanh khoản phiên hôm qua cũng lập kỷ lục mới với hơn 30.000 tỷ đồng. Để có được con số này, lực bán mạnh nhưng lực cầu mua vào cũng phải không kém. Khối ngoại cũng tích cực "gom hàng", được xem là một yếu tố giúp hãm đà giảm.

Theo đánh giá của chuyên gia từ Yuanta, phiên giảm hôm qua, cùng với nhịp điều chỉnh gần đây đã giúp P/E của thị trường về lại khoảng 16,5 lần. Mức này được đánh giá là tương đối hấp dẫn bởi P/E ở vùng đỉnh của thị trường gần đây đạt tới 18 lần. Con số 16,5 lần cũng tiệm cận trung bình thị trường trong hơn 20 năm hoạt động, xoay quanh 16 lần.

Đánh giá rủi ro vẫn còn, song ông Minh cho rằng với những yếu tố như vậy, việc giải ngân thăm dò là điều có thể thực hiện. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh chỉ nên thực hiện với "một phần nhỏ tài khoản" và không sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) để tránh những diễn biến bất ngờ.

Nhà đầu tư nên bắt đáy hay cắt lỗ lúc này? - Ảnh 2.

Loạt cổ phiếu giảm sàn khi VN-Index giảm kỷ lục phiên chiều 12/7. Ảnh: Minh Sơn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới Hội sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá thị trường đang trong đợt rung lắc mạnh nhưng xu hướng tăng điểm trung và dài hạn vẫn chưa thay đổi. Diễn biến hiện nay thể hiện thị trường cần tái tạo động lực, dẫn đến điều chỉnh và đi ngang quanh vùng 1.250 điểm trong ít nhất một tháng.

"Nhà đầu tư nắm dài hạn cứ bình tĩnh, không vội vàng cắt lỗ", ông Tuấn nói.

Theo ông, thị trường chứng khoán vẫn còn một số yếu tố ủng hộ như kinh tế toàn cầu đang hồi phục rõ nét và vĩ mô trong nước ổn định. Hệ thống giao dịch mới vận hành ổn định giúp các quỹ ETF mạnh dạn giải ngân trở lại. Điển hình như phiên hôm qua, khối ngoại mua ròng gần 1.400 tỷ đồng và khi tiền được giải ngân mạnh cũng là lúc VN-Index thu hẹp biên độ giảm đáng kể.

Dù vậy, chuyên gia này cũng khuyên nhà đầu tư nên giảm bớt sự kỳ vọng với thị trường chứng khoán và đặt ưu tiên quản trị danh mục lên hàng đầu. Nhà đầu tư cần theo dõi báo cáo tài chính bán niên, đánh giá hai yếu tố là chất lượng lợi nhuận đến từ hoạt động cốt lõi hay bất thường và đà tăng lợi nhuận có thể duy trì trong hai quý cuối năm hay không để ra quyết định nắm giữ hoặc thoát hàng.

Trong báo cáo cuối phiên 12/7, các công ty chứng khoán có những quan điểm trái chiều khi một phần đánh giá rủi ro giảm vẫn còn, nhưng cũng có nhóm phân tích đánh giá thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng và khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân một phần.

VCBS nhận định lực bán mạnh và chủ động trong phiên 12/7 cho thấy nhiều nhà đầu tư đang có động thái chủ động thoát khỏi thị trường trong bối cảnh VN-Index đã có những phiên sụt giảm liên tiếp một cách khá bất ngờ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những phiên bán tháo sẽ mở ra cơ hội để thị trường dần ổn định trở lại trong những phiên tới. Dù việc thiết lập mặt bằng giá mới trên thị trường nhiều khả năng sẽ là một quá trình chứ không phải chỉ đơn giản trong một vài phiên.

Do đó, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thăm dò với tỷ trọng nhỏ trong những phiên tới, nhưng nên hướng tới những cổ phiếu có nền tảng tài chính lành mạnh và ghi nhận mức giảm thấp hơn tương đối so với chỉ số chung.

Tương tự VCBS, KB Việt Nam cũng đánh giá, mặc dù VN-Index có thể còn trải qua diễn biến rung lắc mạnh trong phiên hôm nay (13/7), nhưng cơ hội sớm xuất hiện nhịp hồi phục sau đó đang được đánh giá cao.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng vị thế trading khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ hoặc bán cân đối lại tỷ trọng trong kịch bản chỉ số hồi phục sớm và tiến lên vùng cản gần tại quanh 1.310 điểm.

Với góc nhìn thận trọng hơn, MBS cho rằng vùng hỗ trợ của VN-Index sẽ nằm trong khoảng 1.257-1.267 điểm. "Nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá", MBS khuyến nghị.

Tương tự, BSC đánh giá áp lực bán có thể được duy trì vào phiên 13/7 nhưng mức giảm có thể giới hạn đến xung quanh ngưỡng 1.265 điểm.