Nhận diện "điểm nóng" đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu

05/02/2021 08:38 GMT+7

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và con đường phục hồi sẽ không bằng phẳng, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm của người mua để ở và nhà đầu tư.

Nhận diện điểm nóng đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đã có nhiều dự báo về thị trường BĐS phía Nam sau Tết âm lịch sẽ diễn biến tích cực khi loạt thông tin về hạ tầng, quy hoạch, chính sách, Covid-19 được kiểm soát… bổ trợ cho thị trường. Đáng nói, người mua cũng đã nhận diện được các thị trường BĐS đang là tâm điểm thu hút dòng tiền, tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021.

Theo CBRE Việt Nam, nhìn rộng hơn về các tỉnh lân cận, nguồn cung khan hiếm tại Tp.HCM sẽ buộc người mua tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, trở thành các "điểm nóng" của thị trường BĐS phía Nam.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, hiện nay, khi Tp.HCM sụt giảm nguồn cung thì các thị trường phụ cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu …là những thị trường xuất hiện nhiều dự án mới, bổ trợ, thay thế nguồn cung Tp.HCM, thu hút sự quan tâm của NĐT. Và đây sẽ là những thị trường tiếp tục phát triển cả nguồn cung lẫn nguồn cầu trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này cho rằng, những năm trước, Tp.HCM phát triển mạnh do nguồn cung, hạ tầng phát triển thì những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… hơi mờ nhạt. Hiện nay tại Tp.HCM với sự khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư thì sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.

Nhận diện điểm nóng đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu - Ảnh 2.

Thị trường vệ tinh Tp.HCM xuất hiện đa dạng các loại hình sản phẩm BĐS, đang bổ trợ rất nhiều về nguồn cung cho Tp.HCM

Đáng nói, ở các thị trường vừa điểm tên nguồn cung, loại hình sản phẩm cũng khá đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh phân khúc đất nền là sản phẩm quen thuộc từ trước đến nay thì các khu vực như Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu còn xuất hiện nhiều dự án thuộc phân khúc thấp tầng (nhà phố, biệt thự, shophouse…) hướng đến các đối tượng khách hàng khác nhau.

Sau thời điểm Tết âm lịch, ở phân khúc thấp tầng, một số chủ đầu tư đang có kế hoạch bung sản phẩm "mới tinh" ra thị trường, dự báo sẽ có những đột phá về nguồn cầu. Chẳng hạn, tại Bình Dương, Tập đoàn An Gia sẽ giới thiệu dự án The Standard với 374 căn nhà phố liên kế và nhà phố thương mại. Hay, tại Long An, Thắng Lợi Group chào bán dự án Sol City với quy mô hơn 35ha, sẽ được phát triển thành 931 sản phẩm thấp tầng, gồm có shophouse, nhà phố, biệt thự vườn…

Tương tự, tại Đồng Nai cũng "manh nha" một số dự án như Phú Gia Residences, khu dân cư star New City Đồng Nai , Tân Phú Garden…

Đánh giá về thị trường BĐS Bình Dương trong những năm tới, nhiều chuyên gia nhận định rằng địa phương này sẽ là tâm điểm của thị trường BĐS phía Nam và có sự phát triển bền vững. Cùng với đó, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An cũng sẽ là những khu vực thu hút dòng tiền đầu tư khi hưởng lợi về hạ tầng, quy hoạch.

Theo nhận định của đại diện Colliers International Việt Nam, các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư cá nhân với các dự án của nhiều chủ đầu tư như Phát Đạt, An Gia, Novaland… Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, bức tranh thị trường BĐS đến năm 2021 có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong đó, "di cư" đến vùng đô thị vệ tinh Tp.HCM vẫn là xu hướng chính, chủ yếu do giá bán tại các khu vực này vẫn ở mức thấp hơn, tương đương giá bán tại các khu vực trung tâm 4 - 5 năm trước đây, hứa hẹn một tiềm năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, những dấu hiệu tích cực về hoạt động đầu tư công trong năm 2020, đặc biệt là việc đầu tư mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố kích cầu cho thị trường BĐS đô thị vệ tinh.

Năm 2020, Chính phủ đã đề xuất chi ngân sách cho đầu tư công 2,75 triệu tỷ (119,56 tỷ USD) cho giai đoạn 2021 - 2025, tăng 37,5% so với giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với đó, trong những năm gần đây, hạ tầng kết nối giữa Tp.HCM với vùng vệ tinh được đẩy mạnh hình thành nhiều điểm nóng đáng chú ý như thành phố Biên Hoà, huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Dương...

Lực đẩy về hạ tầng đã thúc đẩy giá nhà đất tại vùng ven tăng đáng kể. Báo cáo thị trường của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tại các khu vực vệ tinh phía Đông Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, giá đất tăng nhanh chóng bất chấp thời kỳ Covid-19. Chẳng hạn, tại Bình Dương, các thành phố trực thuộc tỉnh có lợi thế giáp ranh Tp.HCM và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Dĩ An, Thuận An thực sự đã trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển các loại hình BĐS có giá phù hợp. Giá căn hộ tại đây tăng lên nhanh chóng từ 25-35 triệu đồng/m2 (2019) lên mức 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí 37-38 triệu đồng/m2, tăng trung bình khoảng 15% trong vòng 1 năm.

Cũng theo Công ty Chứng khoán VNDirect, sự phát triển về hạ tầng, kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp "giải cứu" Tp.HCM khỏi áp lực dân số. Theo thống kê, Tp.HCM hiện có hơn 9,1 triệu người sinh sống, dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 11 triệu người và trở thành siêu đô thị, trong khi đó diện tích thành phố chỉ khoảng 2.100km2. Trong suốt nhiều năm qua Tp.HCM đã đối mặt với tình trạng "đất không nở ra", nhưng tỉ lệ nhập cư mỗi năm ngày càng lớn.