Phát triển nhà ở xã hội: Càng khuyến khích càng... thiếu, vì sao?

31/05/2020 20:29 GMT+7

Với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2 nhà ở xã hội đã xây dựng xong, cả nước mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.


Phát triển nhà ở xã hội: Càng khuyến khích càng... thiếu, vì sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản ( Bộ Xây dựng ), đến nay, các địa phương đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, bao gồm: 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983 ha; trong đó, đã hoàn thành 248 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, tổng diện tích khoảng 10.825.000m2; và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2 nhà ở xã hội đã xây dựng được thời gian qua, mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

Riêng với Hà Nội, theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội của TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018 được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy, tính đến hết 2018, Hà Nội chỉ đạt 14% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đặt ra.

Đáng chú ý, nếu tính cả 10 dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2019 – 2020, Hà Nội mới đạt được 38% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2014.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa cập nhật điều chỉnh kế hoạch hàng năm, xác định rõ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội để cho thuê vào kế hoạch phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2016 – 2020.

Theo báo cáo, hầu hết các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2020 được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành 2015 và giai đoạn 2016 – 2020 đều bị chậm tiến độ. Thậm chí, một số dự án còn chưa có thông tin tiến độ hoặc không thực hiện.

Theo kế hoạch, dự kiến đến đầu 2015 có 6 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành nhưng 6/6 dự án không hoàn thành như kế hoạch đặt ra (3/6 dự án chưa triển khai xây dựng; 3/6 dự án đang xây dựng nhưng chậm tiến độ).

Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo kế hoạch đặt ra, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành (2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dư án dừng triển khai không thực hiện được nhà ở xã hội hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại)…

Nghịch lý càng khuyến khích càng thiếu

Có một thực tế là thời gian qua, trước nhu cầu của cấp bách về việc cần đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Các tỉnh, thành phố cũng khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án nhà xã hội với nhiều gói ưu đãi khác nhau. Tuy nhiên, hướng khuyến khích này dường như chưa hiệu quả và có vẻ như càng ngày càng ít càng dự án nhà ở xã hội được xây dựng.

Trước thực trạng trên, phát biểu tại hội nghị thảo luận sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội trong giai đoạn tới.

Đó là một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội; quy định chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% quỹ nhà ở trong dự án; quy định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội…

Bên cạnh đó, còn có khó khăn, hạn chế về nguồn vốn, quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể như, hiện nay quy định các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất trong dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, thời gian qua hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10 ha đất đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án làm nhà ở xã hội dẫn đến việc thiếu quỹ đất cho đầu tư nhà ở xã hội…

Trước loạt bất cập trên, ông Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp và sẽ sớm có báo cáo lên Chính phủ, kịp thời sửa đổi cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chính sách, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.