Phí bảo trì chung cư 2%: Không bỏ nhưng siết chặt quản lý

17/08/2020 15:50 GMT+7

Giữ hay bỏ phí bảo trì chung cư? Vấn đề này đã từng được nhà quản lý đưa ra mổ xẻ một thời gian khá dài. Bộ Xây dựng mới đây cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có những quy định mới thay thế các quy định liên quan đến phí bảo trì chung cư, nhằm hạn chế tất cả những bất cập liên quan đến loại phí này.


Phí bảo trì chung cư 2%: Không bỏ nhưng siết chặt quản lý - Ảnh 1.

Thường phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư liên quan đến phí bảo trì chung cư.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quy định về phí bảo trì chung cư 2% tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư phải lập một tài khoản để người mua, thuê mua căn hộ nộp kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã tự ý sử dụng tài khoản này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó dẫn đến nhiều bất cập, nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa Ban quản trị chung cư và chủ đầu tư.

Trước thực tế này, một số địa phương có đề xuất, cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản "đóng", chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho Ban quản trị.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư như sau: Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.

Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.

Câu chuyện liên quan đến phí bảo trì chung cư đã gây ra nhiều tranh cãi khiến nhà quản lý đau đầu khi việc sử dụng quỹ này không được minh bạch, làm ảnh hưởng mạnh đến quyền lợi của các bên. Nhiều tranh chấp chung cư liên quan đến chuyện phí bảo trì đã nảy sinh khiến cho người trong cuộc mệt mỏi.

Đơn cử việc chủ đầu tư cố tình không bàn giao lại kinh phí bảo trì, hoặc nộp chậm, nộp không đầy đủ, trục lợi… Hay tình trạng, một số chung cư đã được thành lập ban quản trị, song chủ đầu tư lại không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Và chính bởi những bất cập này dẫn đến việc nhiều chung cư xuống cấp do không có tiền bảo trì.

Tình hình này đã khiến không ít chuyên gia, nhà quản lý đưa ra đề xuất nên loại bỏ hẳn phí bảo trì chung cư, như vậy sẽ sẽ giải quyết dứt điểm được những bất cập đang xảy ra trong việc quản lý và vận hành, sử dụng phí bảo trì.

Rất đồng tình với đề xuất loại bỏ phí bảo trì chung cư, ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, hiện tại nhiều chung cư, tài khoản của ban quản trị chung cư chỉ có một người trong ban quản trị làm chủ tài khoản. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân và dẫn đến khiếu kiện.

Trao đổi về câu chuyện phí bảo trì chung cư, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) từng đưa ra quan điểm: Nếu thu phí phải quản lý hết sức minh bạch.

Ông Ninh cũng cảnh báo, nếu không thu phí bảo trì chung cư 2%, sẽ trở lại với quy trình quản lý chung cư cũ hiện tại. Theo đó, các tòa chung cư không có kinh phí bảo trì sửa chữa sẽ xuống cấp và trở thành khu ổ chuột giống như chung cư cũ hiện nay.