Sau “sốt” giá vàng, đến chứng khoán rồi sẽ đến bất động sản?

04/09/2020 23:50 GMT+7

“Sau vàng, chứng khoán, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi”, TS. Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhận định.


Sau “sốt” giá vàng, đến chứng khoán rồi sẽ đến bất động sản? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Tại hội thảo "Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới" do BizLIVE tổ chức mới đây, mặc dù đánh giá đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, nhưng nhiều chuyên gia nhận định bất động sản vẫn có "cửa sáng" để phát triển trong thời gian tới.

Đánh giá về sự phục hồi của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, bất động sản sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác. Điều này đã minh chứng sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch.

"Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục, bên cạnh đó là du lịch, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới vẫn còn cửa sáng cho thị trường bất động sản nên chúng ta vẫn nên lạc quan", ông Đính nói.

Vĩ mô vẫn có điểm tích cực, bất động sản cũng sẽ sớm hồi phục

Nhìn nhận về tình hình vĩ mô 8 tháng đầu năm, TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 như một cơn bão, có sức tàn phá mạnh với kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Và đến thời điểm hiện tại đã gây cho kinh tế Việt Nam không ít khó khăn. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu tích cực về vắc xin, sự lây nhiễm cũng chậm lại.

Ông Thành cho biết, trong cuộc họp ngày 28/8 của Chính phủ, một số nhận định dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 2-3%. Ông cho rằng, con số này vẫn còn vô cùng tích cực so với bối cảnh thế giới. Và theo cá nhân ông Thành, khả năng tăng trưởng năm nay khoảng 2-3% là cao nhất.

Sau “sốt” giá vàng, đến chứng khoán rồi sẽ đến bất động sản? - Ảnh 2.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Cùng nhận định về tăng trưởng của Việt Nam năm nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, gắn với thời điểm hiện tại khi Việt Nam đã xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2, ông thiên về tình huống xấu nhất, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 1,5%-2%.

"Thủ tướng trong cuộc họp ngày 28/8 cũng nói phấn đấu năm nay tăng trưởng dương. Chúng tôi cho rằng điều này là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh chúng ta có thể kiểm soát lạm phát tương đối tốt, từ 3,5-3,8%", ông Lực cho biết.

Ông Lực cho biết thêm, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch 2020-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2021, chúng ta chủ yếu tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 2022- 2025 sẽ là giai đoạn bứt phát để phát triển mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Lực sự phát triển của thị trường bất động sản hiện đang có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP. Chẳng hạn, năm ngoái bất động sản đóng góp 4,5% GDP, thêm lưu trú thì cộng thêm 3,8% GDP, cộng xây dựng thêm 5,84% GDP. Tính chung lại, bất động sản và các ngành nghề liên quan đóng góp khoảng 17% GDP.

Đặc biệt, bất động sản có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, trong đó có du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng...

Bất động sản cùng với chứng khoán cũng là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất mỗi khi nền kinh tế khó khăn. Trong 15 lĩnh vực chính, đóng góp tới 80% GDP mà ông Lực cùng các cộng sự đã thực hiện cho thấy, bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19.

"Theo đó, trong đề xuất với Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị cần hỗ trợ mạnh thị trường bất động sản", ông Lực nói.

Về cơ hội và thách thức với thị trường bất động sản, ông Lực cho rằng, trong nguy có cơ và thị trường bất động sản vẫn có 3 điểm sáng, bao gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và logistics.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, bất động sản sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất.

"Cũng cần phải nhấn mạnh, trong và sau đại dịch Covid-19, hành vi của các nhà đầu tư đã và đang thay đổi rất lớn, do vậy, cấu trúc cũng sẽ thay đổi rất nhiều để thích nghi", ông Lực nói thêm.

"Sau vàng, chứng khoán, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất"

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, Covid-19 chính là một cuộc cách mạng.

"Cách mạng ở đây chính là việc thay cũ đổi mới, và Covid-19 làm hộ chiếu Việt Nam trở nên rất có giá, từ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam", ông Hưởng nói.

Đồng thời, theo ông căng thẳng Mỹ - Trung Quốc giúp Việt Nam là "ngư ông đắc lợi". Ông cho biết, nhiều bạn bè của ông từng đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam.

Với việc kiểm soát được dịch Covid-19, vị chuyên gia này tín rằng GDP Việt Nam tăng trưởng dương là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn tăng trưởng vượt kế hoạch.

Theo đó, ông Hưởng dự tính: "Sau vàng, chứng khoán, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi".

Hướng đầu tư ở đây, theo chuyên gia này, là các dự án minh bạch pháp lý và làm ăn bài bản. Mặt khác, quan điểm trước đây chỉ nên đầu tư vào Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... theo ông là đã lỗi thời, mà xu hướng đầu tư bất động sản đã mở rộng tại nhiều địa phương, vùng ven trên cả nước.

"Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý để cung có hàng", ông nói thêm.

Về cơ chế, theo ông Việt Nam cần tham khảo Singapore và Úc. "Chúng ta có cơ chế cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam nhưng kèm theo đó rất nhiều vướng mắc khiến họ không mua được. Chúng ta bán bia nhưng lại muốn bán thêm cả lạc. Ở Singapore hay Úc thì mọi chuyện rất khác. Người nước ngoài có thể mua bất động sản một cách dễ dàng, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về thuế", ông Hưởng cho biết.

Là người nhiều năm trực tiếp làm lãnh đạo ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định thêm: "Với trong ngành tài chính ngân hàng, ngân hàng nào có thể đi trước đón đầu, có những gói cho vay với lãi suất phù hợp với bất động sản thì khi thị trường phục hồi, ngân hàng đó sẽ lãi lớn".

Nói thêm về vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng: "Nếu đã đầu tư bất động sản bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. Bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nếu qua 1 đến 2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba".