Tết “buồn” của mặt bằng cho thuê

09/02/2021 12:37 GMT+7

Nhiều dự báo vào thời điểm cuối năm âm lịch, nhờ vào hoạt động kinh doanh buôn bán hàng Tết thì mặt bằng cho thuê tại các tuyến phố sẽ hồi phục trở lại. Thế nhưng, điều này dường như chưa đúng ở thời điểm hiện nay.

Ghi nhận cho thấydù có khá khẩm hơn so với thời điểm cách ly đợt 1 nhưng nhiều mặt bằng cho thuê tại khu vực trung tâm Sài Gòn vẫn để trống, chưa có khách thuê.

Đến nay, khi thị trường BĐS đang dần ổn định, nhộn nhịp hơn về cuối năm. Thế nhưng, phân khúc cho thuê mặt bằng vẫn không mấy sáng sủa. Tại nhiều tuyến đường ở Tp.HCM, không ít mặt bằng dán bảng cho thuê suốt nhiều tháng liền nhưng vẫn không có khách hàng.

Không ít chủ mặt bằng chia sẻ, tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ vốn lớn bao gồm tiền thuê hàng tháng và tiền cọc thế chân. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc hộ buôn bán kinh doanh thì khó mà chịu đựng nổi.

Vì vậy, nhiều người chọn giải pháp bán hàng online hoặc phải tìm giá cho thuê thật sự mềm mới xuống tiền. Càng gần Tết thì càng khó kiếm người thuê hơn.

Trên thực tế, tình trạng mặt bằng "khát" người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Tp.HCM. Tại một số quận huyện vùng ven như: Bình Chánh, Nhà Bè, 12, Hóc Môn tình trạng mặt bằng bị bỏ trống cũng không ít.

Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam cho hay, trong 9 tháng đầu năm, số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ lấp đầy rất chậm. Xu hướng khách thuê giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra.

Hầu như các nhà phố căn gốc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng; trong khi đó kể cả các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại quận 1 khó cho thuê.

Bà Trang lý giải thêm, khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê.

Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.

Tết “buồn” của mặt bằng cho thuê - Ảnh 1.

Cận Tết, những hình ảnh mặt bằng cho thuê trống khách vẫn bắt gặp khá nhiều tại các tuyến phố sầm uất của Tp.HCM. Ảnh: Hạ Vy

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam nhận định, tác động của Covid-19 đến mặt bằng tại các TTTM nhẹ hơn nhưng gần như ngay lập tức, dịch bệnh đã tác động trực diện lên thị trường cho thuê nhà phố. Các khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu đột ngột hơn là các nhà bán lẻ quy mô lớn.

Vị chuyên gia này cho rằng, đại dịch đã buộc họ phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Nhiều chuỗi F&B và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa những chi nhánh hay địa điểm có doanh thu kém, làm tăng diện tích trống chung của cả thị trường. Các địa điểm bán lẻ phụ thuộc vào khách du lịch ở khu trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể từ đầu tháng 2/2020, nhiều nhà bán lẻ đã không gia hạn hợp đồng thuê. Những người muốn giữ lại các vị trí đắc địa sau đại dịch phải tạm thời đóng cửa hoặc tìm cách giảm giá thuê. Khảo sát gần đây của Savills cho thấy khách thuê mong muốn chiết khấu lên đến 40% so với mức 20% tối đa được đưa ra.

Dạo quanh các tuyến phố vốn sầm uất của Tp.HCM, bên cạnh các cửa hàng đang hoạt động thì xen kẽ vẫn không thiếu các mặt bằng cho thuê đóng cửa từ sau thời điểm cách ly xã hội (tháng 4/2020) đến nay.

Không có khách thuê, nhiều mặt bằng trở thành chỗ buôn bán tạm bợ của những gánh hàng rong. Trong đó có một số mặt bằng qua tay 2-3 chủ trong khoảng thời gian ngắn rồi cũng đóng cửa vì buôn bán không được. Có những mặt bằng tờ rơi dán chồng lên nhau chằng chịt thời gian dài vẫn chưa có khách thuê.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường BĐS cho thuê đang trở về giá trị thật. Những người có BĐS cho thuê thời điểm này nên ngồi lại với khách để bàn bạc, đưa ra mức giảm bao nhiêu, hình thức và thời hạn giảm.

Trong tình hình hiện nay, chủ nhà cần phải cho thuê càng sớm càng tốt, sau này có thể đàm phán lại giá, chứ càng kéo dài thời gian sẽ thất thoát càng nhiều.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình kinh doanh sẽ không thể hồi phục lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.

Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến đầu năm 2021 khi áp lực tài chính vào giai đoạn này sẽ gay gắt hơn, do các khoản quyết toán với ngân hàng. Hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến việc cho thuê mặt bằng khó khăn, làn sóng rao bán nhà phố có thể diễn ra trong thời gian tới.

Rõ ràng, nếu so với cùng kì năm ngoái thì năm nay là Tết "buồn" của mặt bằng nhà phố cho thuê. Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia, đây là phân khúc dễ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng trở lại, hoạt động kinh doanh, tìm kiếm mặt bằng sẽ còn rất lớn.