Thị trường địa ốc đón những tín hiệu lạc quan, chờ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

13/04/2020 19:07 GMT+7

Đã có những thông điệp tích cực từ các chính sách kích cầu giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong đó cũng đã có những thông tin vui đến với bất động sản.


Thị trường địa ốc đón những tín hiệu lạc quan, chờ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thị trường ảm đạm nhất 5 năm trở lại đây

Thị trường bất động sản quý 1 được cho là trầm lắng nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tổng cung và cầu đều sụt giảm mạnh, giao dịch trên thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho thấy nguồn cung mới trong những tháng đầu năm ở mức thấp kỷ lục. Cả nước chỉ có khoảng trên 8000 căn hộ chung cư, trên 5000 đất nền mở bán. Còn tại Tp.HCM có khoảng trên 2800 sản phẩm đủ điều kiện bán chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019, Hà Nội cũng chỉ có 1 dự án chung cư mới mở bán…

Theo dữ liệu thống kê của Batdongsan.com.vn, trong 2 tháng đầu năm nay nhu cầu tìm kiếm BĐS của người dân sụt giảm mạnh. Tại Tp.HCM mức độ quan tâm chung cư giảm 4,6%, riêng nhà phố giảm đến 35% so với cùng kỳ, đặc biệt phân khúc đất nền có mức độ quan tâm giảm gần 50%.

Theo Hội môi giới, giao dịch trên thị trường vô cùng ảm đạm. Số lượng giao dịch căn hộ tại thị trường Tp.HCM vốn dĩ rất sôi động thì này chưa đến 1000 sản phẩm trong quý vừa qua, giảm 10 lần so với cùng kỳ 2018.

Thị trường địa ốc đón những tín hiệu lạc quan, chờ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 2.

Những tín hiệu lạc quan

Tuy nhiên, gần đây thị trường địa ốc liên tục đón những tin vui từ các chính sách kích cầu, cụ thể:

Bổ sung kinh doanh BĐS vào gói hỗ trợ 180 nghìn tỷ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất: Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung lĩnh vực bất động sản (BĐS) vào nhóm các ngành nghề được hỗ trợ từ gói kinh tế này. Theo đó tổng số tiền các nhóm ngành được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 180.000 tỷ đồng, tức tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC ngày 26/3.

Theo nhận định của đại diện một số sàn BĐS, việc ngành kinh doanh BĐS được bổ sung vào gói tín dụng kích cầu kinh tế 250 nghìn tỷ đồng là một tin vui đối với nhiều sàn BĐS vừa và nhỏ. Bởi lẽ nhóm doanh nghiệp này thời gian qua đóng cửa hàng loạt, có tới 50% tổng số sàn phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Các sàn giao dịch sẽ được nới rộng hơn thời gian cam kết thanh khoản sản phẩm, đồng thời cũng sẽ được giảm trừ hoặc miễn tiền thuê đất, thuê mặt bằng kinh doanh.

Bên cạnh đó, thông qua việc giảm trừ và giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất sẽ giúp cho DN có thời gian để hoạch định và xây dựng những phương án kinh doanh mới.

Giảm lãi suất: Ngày 17/3/2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Có những ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay lên tới 2,5%. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt được gánh nặng chi phí lãi vay.

Thị trường địa ốc đón những tín hiệu lạc quan, chờ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 3.

Gia tăng đầu tư công: Theo phân tích của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 không chỉ hối thúc Chính phủ hồi phục lại tốc độ đầu tư công mà còn cho các nhà đầu tư đa quốc gia một lý do khác phân bổ các nhà máy ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo công ty này, trong quý 1 vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng 13,2% mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng đầu tư công sẽ giúp các dự án bị trì hoãn sẽ khởi động và tăng tốc trở lại. Các dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ sớm được khởi công trong tháng 8 này. KIS Việt Nam cho rằng cả hai diễn biến trên sẽ tiếp tục hỗ trợ giá tài sản trong trung hạn, điều này sẽ hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng trong các lĩnh vực bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng.

Còn Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, việc Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ đưa BĐS vào nhóm đối tượng được hỗ trợ về tiền thuế, tiền thuê đất là hợp lý và có ý nghĩa lớn đối với DN trong giai đoạn khó khăn này.

Để tận dụng những chính sách của Nhà nước một cách tối ưu nhất, các DN BĐS cần phải nhanh chóng tiến hành tái cấu trúc, tái cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực, giảm giá thành sản phẩm để có thể cùng chung tay với Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân.

"Giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn như hiện nay cũng chính là cơ hội để các DN, tập đoàn BĐS thực hiện chiến lược tái cấu trúc DN, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng" – ông Châu nhìn nhận.