Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), ngành xi măng cần thực thi nhiều giải pháp quyết liệt như thực hiện "5K" trong chống dịch để phát triển hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA)
Thưa ông, sản xuất và tiêu thụ xi măng 5 tháng qua đều tăng trưởng dương. Dường như, ngành xi măng không bị ảnh hưởng bởi "bão" Covid-19 như các ngành sản xuất khác?
Bước sang mùa dịch thứ hai, nhưng về cơ bản, ngành xi măng không gặp khó khăn như nhiều ngành khác. Sản xuất và tiêu thụ xi măng vẫn diễn ra bình thường, do các doanh nghiệp trong ngành đã và đang triển khai các giải pháp sản xuất - kinh doanh cùng với phòng, chống dịch nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiêu thụ xi măng trong nước được lợi khi các dự án giao thông, sân bay, cầu cảng sử dụng vốn đầu tư công vẫn duy trì.
Khi Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam đầu năm 2020, xi măng là ngành chịu tác động sớm và khá mạnh, lượng tiêu thụ quý I/2020 sụt giảm 20%. Trong năm 2020, trước khó khăn do dịch bệnh, xi măng cũng là một trong những ngành đề nghị và đã được nhận hỗ trợ thông qua chính sách hoãn, giãn thuế mà Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp. So với năm ngoái, tình hình hoạt động của ngành xi măng năm nay đỡ hơn nhiều.
Như vậy, các doanh nghiệp ngành xi măng đang hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định và không cần thêm chính sách hỗ trợ khẩn cấp, thưa ông?
Hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ xi măng hiện khá ổn định, nhưng về tổng thể phát triển ngành, thì vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý, cần đốc thúc để thực thi nghiêm hơn.
Chúng tôi đang hoàn tất văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó đề xuất một số vấn đề để ngành xi măng phát triển bền vững. Điều chúng tôi mong mỏi và trăn trở nhất là, sau kiến nghị, với những quyết sách của Nhà nước đưa ra, phải làm sao để các doanh nghiệp trong ngành thực thi mạnh mẽ như thực hiện "5K" trong chống dịch Covid-19, thì mới mang lại hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, không ít yêu cầu đặt ra trong quy hoạch với các dự án xi măng thời gian qua đã không được các chủ đầu tư thực hiện và cũng không đơn vị nào bị kiểm tra, xử lý...
Ông có thể cho biết những vấn đề chính mà VNCA đang chuẩn bị để gửi kiến nghị tới Chính phủ?
Chúng tôi kiến nghị một số cơ chế, chính sách để ngành xi măng hướng tới phát triển bền vững.
Đơn cử, Quyết định số 1488/QĐ-TTg (năm 2011) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 quy định: "Các dự án xi măng đầu tư mới có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện". Ai cũng hiểu, đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa để phát điện mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế, nhưng thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không lắp đặt mà… không sao cả. Ngành xi măng đang thực hiện Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2020, mục tiêu đến hết năm 2025 là, 100% dây chuyền sản xuất công suất 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Chúng tôi kiến nghị một số nội dung để doanh nghiệp đẩy nhanh đầu tư.
Ngoài ra, VNCA kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng tối đa phế thải công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng…
Những vấn đề mà ông vừa đề cập có phải là lý do khiến ông mong mỏi, các chính sách của Nhà nước đưa ra với ngành xi măng cần phải được thực thi mạnh mẽ như thực hiện "5K" trong chống dịch Covid-19?
Đúng vậy. Ngành xi măng trong nước hiện có quy mô công suất trên 100 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất xi măng lớn trên thế giới, xuất khẩu gần 40 triệu tấn/năm đi nhiều thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp phải đầu tư phát triển theo hướng giảm phát thải, tăng tận dụng nhiệt dư thừa cho phát điện, sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, giảm tiêu hao nhiệt năng, giảm CO2 trong quá trình sản xuất…
Điều cần nhất là, doanh nghiệp trong ngành phải nhận thức rõ các vấn đề này và nghiêm túc triển khai, không thể chỉ đưa quy định vào quy hoạch/chiến lược phát triển ngành rồi để đó.
Ngành xi măng đã xuất khẩu 38 triệu tấn sản phẩm trong năm 2020, nhưng chủ yếu là xuất clinker sang một số thị trường gần, giá thấp. Ông nhìn nhận câu chuyện này ra sao?
Xuất khẩu xi măng, clinker 3 năm gần đây đều đạt trên 30 triệu tấn/năm, riêng năm 2020 đạt kỷ lục với 38 triệu tấn, giúp ngành xi măng giải quyết được sản lượng không thể bán ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nếu doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển hướng. Vì đến năm 2023, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Như vậy, để đi đường dài, doanh nghiệp xi măng trong nước bắt buộc phải điều chỉnh lượng CO2 trong sản xuất. Đây là xu thế tất yếu trên thế giới, ngành xi măng Việt Nam không thể đứng ngoài nếu không muốn tụt hậu.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.