Khởi nghiệp ngành địa ốc được hơn 3 năm nay, anh Nam chỉ có trong tay dòng tiền vài tỷ đồng để xoay sở kinh doanh nên việc mua nhà phải hoãn lại. Bởi nếu dốc cạn hầu bao mua nhà có thể khiến anh không còn vốn liếng đầu tư.
Anh Nam chấp nhận ở trọ, đưa cả gia đình năm nhân khẩu (vợ chồng và 3 con) thuê nhà nhiều nơi tại TP HCM. Năm 2018, anh Nam thuê căn hộ 3 phòng ngủ tại khu An Phú, quận 2 để gia đình sinh sống. Số vốn là tiền mặt anh dồn vào buôn đất tại khu Tây TP HCM và phân phối cho các nhà đầu tư thứ cấp. Nhờ bắt trúng mạch của thị trường, anh Nam có lãi gấp đôi.
Năm 2019-2020, anh chuyển sang thuê nhà phố một trệt hai lầu ở phường Phú Hữu, quận 9 giá 16 triệu đồng một tháng, vì muốn ở rộng rãi hơn. Toàn bộ số vốn lưu động, Nam dồn mua đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng để bán lại và tiếp tục có lãi. Tháng 3/2021, khi Covid-19 bùng phát lần ba, giá thuê nhà cực rẻ, anh Nam chuyển sang thuê biệt thự cũng trên địa bàn quận 9 với giá 18 triệu đồng một tháng, đầy đủ nội thất. Dòng tiền chủ yếu của gia đình lúc này được anh săn đất dọc theo cao tốc ở Bình Thuận và mua đất vườn có hoa lợi.
"Sau nhiều năm ở nhà thuê, tôi không thấy phiền lòng, ngược lại còn thoải mái vì chỗ ở khang trang, giá thuê lại rẻ. Bây giờ có thể đủ tiền mua nhà cho 5 nhân khẩu nhưng tôi cần vốn đầu tư nên sẽ tiếp tục ở trọ dài dài", anh Nam cho hay.
Trường hợp ở trọ để dồn tiền đầu tư của anh Nam tuy không quá phổ biến trên thị trường nhưng bài toán này hiện được một số người trẻ tính đến. Chị Mỹ, thuộc thế hệ 9x đời đầu, đã ở nhà thuê tại TP HCM hơn nửa thập niên qua đang cân nhắc giữa 2 chọn lựa mua lại căn hộ nhỏ đang thuê hay dùng số tiền đó đầu tư đất.
Chị Mỹ nhẩm tính, nếu mua căn hộ đang trọ với giá khoảng 2 tỷ đồng tuy chỉ có diện tích 40 m2 nhưng được cái rất tiện cho người độc thân và có cảm giác ổn định. Ngược lại, nếu đem số tiền này về quê mua đất, có thể xem như đầu tư lâu dài và khả năng sinh lời cao vì hạ tầng: cao tốc, sân bay ở quê chị đang được quy hoạch rầm rộ, bất động sản còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Cuối cùng, sau khi cân nhắc thiệt hơn, chị Mỹ chọn hướng tiếp tục ở nhà thuê và dồn số tiền 2 tỷ đồng mua đất.
Trong khi đó, ở độ tuổi 27, mới ổn định việc làm được vài năm tại một công ty xây dựng lớn ở TP HCM, anh Tùng quyết định bán nhà chung cư đang ở tại TP Thủ Đức để lấy tiền đầu tư.
Căn nhà trên là quà bố mẹ tặng anh từ thời tốt nghiệp đại học, nay chuyển hóa thành dòng tiền được 2 tỷ đồng. Tùng dồn tiền bán nhà và vốn liếng tích lũy được từ những năm làm thuê để mua đất. "Tôi thuê một nhà phố hẻm và share (chia sẻ) với đồng nghiệp để giảm tiền trọ, số tiền 2,5 tỷ đồng về Đồng Nai mua đất. Ở thuê chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ cần đầu tư có lãi, lúc đó muốn mua nhà sẽ nhiều lựa chọn hơn", Tùng chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group nhận định, việc một số người chọn ở nhà thuê để dành tiền mặt đầu tư đất là cách xử lý dòng tiền linh hoạt, nhạy bén nhưng cũng cần cảnh giác vì hệ số rủi ro không nhỏ.
Theo ông Chánh, sân chơi này cũng không dành cho số đông và không hợp với người có tâm lý ăn chắc mặc bền. Sở dĩ vẫn có người chấp nhận rủi ro vì bù lại họ nhìn ra được cơ hội rất lớn. Thành hay bại của chọn lựa này phụ thuộc lớn vào trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và khẩu vị của từng nhà đầu tư.
Ông Chánh phân tích, theo tâm lý chung đa số người Việt dồn tiền mua căn nhà để ở và chờ tăng giá vì hình thức này ít rủi ro, tương đối chắc chắn. Khi dồn tiền mua nhà để ở và xem đây là hình thức tích lũy, đầu tư kép, họ đang đặt cược suất đầu tư vào chính tài sản mình đang sử dụng. Điều này bình thường theo tâm lý đầu tư truyền thống, ưu điểm là tạo ra giá trị bền vững, ổn định. Nhược điểm là sẽ mất đi chi phí cơ hội để đầu tư kinh doanh và không có dòng tiền mặt để sẵn sàng nhập cuộc thị trường, khó tạo ra sự đột phá về lượng của cải.
Trong khi đó, đi thuê nhà để ở và dồn toàn bộ dòng tiền đang có để đầu tư chỉ phù hợp với những người không sĩ diện và e ngại ở trọ, ít có thành kiến với việc "nay đây mai đó" bất định. Trường hợp thuê nhà và dùng số tiền đang có để đầu tư kinh doanh - phương án này phù hợp những nhà đầu tư trẻ, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro miễn là hiệu suất đầu tư cao, lợi nhuận lớn. Đây là trường phái đầu tư thiên về trải nghiệm và mạo hiểm "được ăn cả ngã về không" vì nhóm người này quan niệm "bạn chỉ sống một lần trong đời, tại sao không thử nghiệm".
Ông Chánh phân tích thêm, ưu điểm của phương án chấp nhận ở thuê, dành tiền mặt đầu tư, săn tìm cơ hội có thể mở ra cánh cửa lớn giúp nhà đầu tư học hỏi nhanh, trải nghiệm phong phú, có thể phát triển bản thân và gia tăng giá trị tài sản đột biến. Tuy nhiên, nhược điểm của xu hướng đầu tư này là mất đi sự ổn định, hệ số rủi ro không hề nhỏ.
"Phương án đầu tư tốt nhất là đạt được sự cân bằng và hạn chế rủi ro. Chỉ nên đặt cược vào việc chấp nhận ở trọ, dồn hết vốn liếng đầu tư khi có đủ các cơ sở để tối ưu hóa dòng tiền và lợi nhuận", ông Chánh khuyến nghị.