Thành lập vào năm 2014 với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD (17 triệu Euro), cho đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) có hơn 70 kỹ sư, chuyên phát triển các công nghệ, sản phẩm và giải pháp sáng tạo dành cho ôtô cho thị trường trong nước và quốc tế.
Ban đầu tập trung vào nghiên cứu các công nghệ ôtô cũng như phát triển hơn nữa kỹ năng từ nguồn nhân lực lao động của công ty tại Việt Nam, trung tâm R&D đã mở rộng phạm vi của mình để trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc phát triển sản phẩm linh kiện điện tử dùng trong ứng dụng hệ thống an toàn chủ động và hệ thống điều khiển động cơ.
Ngoài việc thúc đẩy các tiến bộ công nghệ cho hai nhà máy sản xuất ôtô của Bosch tại Thái Lan và Đức, trung tâm cũng đã bắt đầu hợp tác phát triển với các địa điểm tương tự khác của Bosch tại Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.
Trong 10 năm qua, Bosch đã trải qua những bước tiến vượt bậc tại Việt Nam. Theo năm tài chính 2018, công ty đã ghi nhận là một năm tăng trưởng mạnh mẽ với hai chữ số trong doanh số bán hàng. Việt Nam hiện đang phát triển như một cường quốc ôtô với nhu cầu tăng cao đối với phương tiện công cộng và các giải pháp di động mới.
Sự phát triển được thúc đẩy nhanh hơn bằng cách khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như tăng sức mua. Để đạt được điều này, Bosch đã thành lập bộ phận xe hai bánh và xe điện thể thao ở khu vực Việt Nam vào giữa năm ngoái để tập trung vào ngành công nghiệp đang phát triển rất nhanh như thị trường xe máy. Có trụ sở tại TP HCM, bộ phận đóng vai trò là trung tâm của công ty ở vùng Đông Nam Á về phân tích chuyên môn và khả năng của xe máy. Tiếp tục đầu tư trong nước cũng là một phần trong kế hoạch của công ty
"Là đơn vị chủ chốt trong việc sản xuất, nghiên cứu và phát triển các giải pháp di động toàn cầu của Bosch, việc đầu tư mạnh mẽ để tăng công suất và khả năng của các nhà máy là rất cần thiết để giữ lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và giải pháp của công ty"- ông Guru Millikarjuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, nhận định.
Ngoài ra, theo vị này, với sự phát triển vô cùng năng động của thị trường, thách thức đối với chúng tôi là phải mang lại những đổi mới nhanh hơn. Việc liên tục hợp nhất cơ sở hạ tầng với quy trình sản xuất được kết nối giúp toàn bộ quá trình sản xuất trở nên thông minh, dễ dàng hơn và thúc đẩy quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nhằm rút ngắn quy trình đổi mới.
Bosch có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên với một văn phòng đại diện vào năm 1994 và kể từ năm 2007, công ty được đại diện bởi Công ty TNHH Robert Bosch (Việt Nam). Bosch có văn phòng chính tại TP HCM, với các văn phòng chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng, và một Nhà máy Giải pháp hệ thống truyền động ở tỉnh Đồng Nai để sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT) trong ôtô.
Ngoài ra, Bosch còn vận hành một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp (Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam), cũng như một Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ ôtô tại TP HCM. Bosch đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Phụ tùng và Thiết bị ôtô, Điện tử ôtô, Công nghệ điều khiển và truyền động, Công nghệ đóng gói, Dụng cụ cầm tay và Công nghệ toà nhà.