Tỷ phú Jack Ma bị kiện tại Ấn Độ

03/08/2020 12:50 GMT+7

Sau khi hàng chục ứng dụng của Alibaba bị cấm ở Ấn Độ, tỷ phú Jack Ma còn bị triệu tập tại một tòa án để điều tra về hành vi sa thải cựu nhân viên người Ấn.


Tỷ phú Jack Ma bị kiện tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma bị tòa án Ấn Độ triệu tập vì kiểm duyệt thông tin và sa thải nhân viên Ấn Độ. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh tranh chấp Trung Quốc và Ấn Độ đang hồi căng thẳng, một loạt hãng công nghệ và công ty của Trung Quốc vấp phải làn sóng tẩy chay và rào cản khó khăn từ chính quyền New Delhi. Mới đây, một tòa án Ấn Độ đã triệu tập Alibaba và người sáng lập Jack Ma trong vụ án điều tra về hành vi sa thải nhân viên người Ấn. Nhân viên này cho biết anh bị sa thải sau khi phản đối lệnh kiểm duyệt thông tin và tin giả trên các ứng dụng của hãng.

Đây là diễn biến căng thẳng mới nhất sau khi Ấn Độ đưa ra lệnh cấm Alibaba News UC News, UC Browser, Tik Tok, We Chat và 56 ứng dụng khác của Trung Quốc để trả đũa vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới hai quốc gia. Trong số đó có hàng chục ứng dụng được vận hành bởi Alibaba.

Chính quyền Bắc Kinh liên tục phản đối các hành động và chính sách từ phía láng giềng. Trong một động thái chưa từng có, Ấn Độ liên tục mạnh tay rà soát các công ty, kiểm duyệt các nội dung hay hành động có liên quan đến chính phủ nước ngoài.

Trong hồ sơ tòa án 200 trang được công bố bởi Reuter ngày 20/7, Pushpandra Singh Parmar, một cựu nhân viên của UC Web trực thuộc Alibaba, cáo buộc công ty đã kiểm duyệt nội dung được coi là bất lợi cho Trung Quốc, cùng với các ứng dụng của UC Browser và UC News nhằm đưa ra các tin tức sai lệch, gây xôn xao dư luận xã hội và bất ổn chính trị.

Thẩm phán dân sự Sonia Sheokand thuộc tòa án quận Gurugram, thành phố vệ tinh của thủ đô New Delhi đã ban hành lệnh triệu tập đại diện Alibaba, Jack Ma cùng hàng chục cá nhân khác phải trình diện tại tòa án hoặc thông qua luật sư vào ngày 29/7. Giấy triệu tập cũng kèm theo yêu cầu phản hồi bằng văn bản từ công ty trong vòng 30 ngày.

Parmar, người từng làm phó giám đốc tại văn phòng UC Web ở Gurugram cho đến tháng 10/2017, đang yêu cầu hãng phải bồi thường 268.000 USD vì sự việc sa thải bất hợp lý trên. Người này còn cáo buộc UC Web hoạt động ở Ấn Độ có hẳn "danh sách các từ nhạy cảm", bao gồm các từ khóa bị cấm đề cập tới bằng tiếng Ấn và tiếng Anh như "biên giới Ấn Trung", "chiến tranh Trung Ấn"…

Đại diện Alibaba phát biểu với Caixin cho hay "UC Web vẫn luôn tôn trọng các cam kết khi hoạt động tại Ấn Độ cũng như thực hiện đầy đủ các quy định về phúc lợi cho người lao động ở đây. Chính sách hoạt động của hãng tuân thủ theo quy định pháp luật địa phương". Tuy nhiên, hãng từ chối bình luận về vụ kiện của cựu nhân viên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố khẳng định, Bắc Kinh luôn nghiêm khắc yêu cầu các công ty Trung Quốc thực hiện hợp tác ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ các quy tắc quốc tế và luật pháp địa phương. Tuyên bố trên cũng yêu cầu "Phía Ấn Độ cần cung cấp một môi trường hoạt động công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử với các công ty của Trung Quốc vốn đang hoạt động kinh doanh bình thường ở nước này".

Vụ kiện này là rào cản mới nhất của Alibaba tại Ấn Độ sau lệnh cấm ứng dụng của chính phủ Ấn Độ và UC Web đáp trả khi bắt đầu sa thải dần một số nhân viên người Ấn. Trước khi bị cấm, UC Browser đã được tải xuống ít nhất 689 triệu lượt ở Ấn Độ, trong khi UC News có 79,8 triệu lượt tải xuống trong năm 2017, 2018, theo hãng phân tích Sensor Tower. Vào tháng 6, UC Browser là ứng dụng mobile phổ biến thứ 2 ở Ấn Độ với thị phần chiếm 10,19%, chỉ đứng sau Chrome của Google.

Ấn Độ tuyên bố đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc sau khi có bằng chứng cho thấy các tiện ích này tiềm ẩn mối đe dọa với chủ quyền Ấn Độ. Bộ trưởng CNTT nước này cho biết động thái này còn bảo vệ dữ liệu và trật tự an ninh mạng công cộng cho người dân.