Theo báo cáo mới nhất của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu của đơn vị này cho thấy, trong 18 ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Và tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ. Trong đó, với lĩnh vực bất động sản mặc dù vẫn giữ thứ tự cao nhưng Việt Nam không có dự án mới, có vốn khủng đổ vào bất động sản như các năm trước. Điều này khiến vốn ngoại giảm mạnh thời gian qua.
Lượng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương đương khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tác tiềm năng phần lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2020, dù bối cảnh đại dịch song Việt Nam vẫn có một số dự án bất động sản được nhà đầu tư ngoại tăng vốn như Khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, không có nhiều đại dự án tăng thêm vốn, chỉ có những dự án cấp mới, chờ kế hoạch khởi công.
Khu đô thị trung tâm Tây Hồ Tây. Ảnh: Đình Phong
Chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thiếu các dự án lớn, dự án tạo động lực cho tăng trưởng của các nền kinh tế chú trọng vào FDI như Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế này trong ngắn hoặc trung hạn, nhất là trong bối cảnh các dự án đầu tư công đình trệ, đầu tư của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Đính, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh đã được dự báo từ trước, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, nước ta và nhiều quốc gia khác cũng đang duy trì lệnh "đóng cửa"."Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam giảm mạnh, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, việc sụt giảm này chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam".
Các chuyên gia của Savills Việt Nam nhấn mạnh, dù việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở đang bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn vì cách ly xã hội. Song các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.