Amazon - đế chế kinh doanh của Jeff Bezos

03/11/2023 10:45 GMT+7

Khi Jeff Bezos rời ghế CEO, đế chế Amazon mà ông gầy dựng đang mở rộng nhanh hơn bao giờ hết. Là một trong những người giàu nhất thế giới nhờ biến một hiệu sách trực tuyến thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, thành công của tỷ phú Jeff Bezos không đến một cách tình cờ, mà đòi hỏi tư duy đúng đắn.

Trong suốt 27 năm, Jeff Bezos đã biến Amazon thành một công ty khổng lồ, có sức mạnh và ảnh hưởng vang dội trên nhiều ngành công nghiệp. Tài sản của Bezos và Amazon nhờ thế cũng đã bùng nổ trong những năm gần đây.

Không chỉ thành công ở lĩnh vực cốt lõi là mua sắm trực tuyến nhờ nhu cầu ngày càng tăng, công ty cũng đạt được thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực điện toán đám mây, rồi mở rộng giải trí và quảng cáo. Với sự lớn mạnh về quyền lực và tham vọng của Amazon, công ty tuyển dụng một lượng nhân viên khổng lồ, đặt dấu chân trên khắp nước Mỹ.

Bắt đầu từ thứ Hai (5/7), khi nhường vai trò CEO cho Andy Jassy để trở thành chủ tịch điều hành, tỷ phú Jeff Bezos sẽ bước vào cuộc sống mới, dành nhiều thời gian hơn để khám phá vũ trụ, làm từ thiện, mua bất động sản và du thuyền.

Amazon - đế chế kinh doanh của Jeff Bezos - Ảnh 1.

Chủ tịch điều hành Amazon Jeff Bezos. Ảnh: Bloomberg.

Kinh doanh nhiều lĩnh vực


Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Amazon thống trị mảng bán lẻ trực tuyến, chiếm khoảng 41% tổng doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ. Nhưng công ty cũng đã đi tiên phong trong các dịch vụ điện toán đám mây và là một thế lực trong ngành quảng cáo, nơi đang cạnh tranh với các ông lớn như Google và Facebook.

Trong những năm gần đây, Amazon đã thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của người Mỹ thông qua các dịch vụ phát trực tuyến và thiết bị thông minh. Những mảng kinh doanh này vẫn duy trì vị thế tốt ngay cả khi chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trợ lý Alexa và các thiết bị phát trực tuyến Fire TV của hãng thường xuyên xếp hạng cáo trong số các mặt hàng bán chạy nhất, một phần nhờ vào các chương trình giảm giá thường xuyên.

Tuyển dụng quy mô lớn

Amazon liên tục tuyển người và nhu cầu gia tăng lao động dường như là vô tận. Công ty đã bổ sung hơn 500.000 nhân viên trên toàn thế giới vào năm 2020 và có thể trong những năm tới sẽ vượt qua Walmart để trở thành nhà tuyển dụng lớn nhất tại Mỹ. Nhu cầu tuyển dụng lớn của họ là do việc mở rộng kho hàng trên khắp nước Mỹ, nhằm nỗ lực giao hàng ngày càng nhanh hơn.

Amazon - đế chế kinh doanh của Jeff Bezos - Ảnh 2.

Một công nhân Amazon làm việc ở North Carolina. Ảnh: WSJ

Mùa xuân năm 2020, công ty đã thuê 175.000 công nhân thời vụ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt do đại dịch. Sau đó,125.000 công nhân trong số này được có cơ hội ở lại làm việc toàn thời gian. Đến tháng 9 năm ngoái, họ đã bổ sung 100.000 nhân viên ở Mỹ và Canada. Và tháng 5, họ đã thông báo bổ sung 75.000 công nhân.


Công ty cũng ồ ạt tuyển thêm những nhân viên làm việc chuyên môn, trình độ cao. Vào tháng 1, họ bổ sung khoảng 3.000 nhân viên ở Boston để phục vụ mở rộng các công việc về công nghệ ở các thành phố lớn. Đến tháng 6, công ty tuyển thêm 800 người làm việc cho Amazon Web Services ở Redmond, Washington. Hiện gã khổng lồ này có khoảng 130.000 nhân viên khối văn phòng trong tổng số 950.000 nhân viên ở Mỹ.

Thành công ở Hollywood

Amazon tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh vào năm 2010 thông qua việc ra mắt Amazon Studios. Hiện họ là nhà sản xuất và phân phối phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập có tiếng. Amazon đã đầu tư nhiều hơn vào bộ phận này trong những năm gần đây.

Một số tựa phim thành công nhất của Amazon bao gồm "The Marvelous Mrs. Maisel", series phim về một bà nội trợ trở thành một diễn viên hài trong những năm 1950. Series đã phát sóng ba mùa và trở thành một trong những tựa phim nổi tiếng nhất của Amazon. Nó đã giành được nhiều giải thưởng như Quả cầu vàng, Emmy và những giải thưởng khác.

Năm nay, bộ phim năm 2020 "Sound of Metal" kể về một tay trống bắt đầu mất thính giác đã giành được hai chiến thắng Oscar, bổ sung thêm bộ sưu tập Oscar của Amazon Studios với trước đó là tác phẩm "Manchester by the Sea" năm 2016.

Những đầu tư khác

Tỷ phú Bezos dự kiến bay vào vũ trụ vào ngày 20/7. Bên cạnh không gian, ông đang dần chuyển sang cuộc sống hậu CEO thoải mái hơn, bao gồm hoạt động từ thiện tập trung vào khí hậu và tiếp xúc những người nổi tiếng. Ông Bezos đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, với tài sản khoảng 200 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Vào tháng 2/2020, Bezos tuyên bố ông cam kết quyên 10 tỷ USD để chống lại biến đổi khí hậu thông qua sáng kiến Quỹ Trái đất Bezos mới của mình. Khoản tài trợ 791 triệu USD đầu tiên được giải ngân vào tháng 11/2020.

Amazon - đế chế kinh doanh của Jeff Bezos - Ảnh 3.

Tòa nhà Textile Museum do Bezos sở hữu ở Washington DC. Ảnh: WSJ.

Nhà sáng lập Amazon còn có sở thích đầu tư bất dộng sản, với giá trị các căn nhà ông sở hữu khoảng 300 triệu USD. Ngoài bất động sản ở Seattle, ông còn mua nhà ở Los Angeles, Washington DC. và New York. Ông cũng sở hữu hơn 300.000 mẫu đất (120.000 ha) ở Tây Texas, gần một cơ sở của Blue Origin.


Ngoài bất động sản, ông bán một tỷ USD cổ phiếu Amazon mỗi năm để tài trợ cho Blue Origin. Nhiều năm trước, ông đã trao ít nhất 42 triệu USD để tài trợ cho Long Now Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận đã thiết kế chiếc đồng hồ có thể hoạt động 10.000 năm được lắp đặt sâu bên trong một ngọn núi ở Tây Texas.

Bezos cũng sở hữu ít nhất một máy bay phản lực Gulfstream G650ER, loại có tầm bay 7.500 hải lý và có thể chở tối đa 19 người. Ông gần đây đã mua một chiếc du thuyền dài gần 140 có sân đỗ trực thăng.

10 bí quyết thành công từ tỷ phú Amazon Jeff Bezos

1. Đưa ra quyết định với 70% thông tin

Càng có thêm thông tin là càng có lợi. Jeff Bezos cho hay: "Hầu hết các quyết định đều đáng giá khi bạn đã có 70% thông tin bạn muốn biết. Nếu bạn đợi 90% thì sẽ quá muộn".

Ví dụ Dịch vụ Prime Now (dịch vụ giao hàng) đã được ra mắt chỉ sau 111 ngày nghiên cứu. Trong quá trình vận hành đã có những bước lùi, những khúc quanh và sai hướng. Nhưng một quyết định nhanh chóng đã mang lại lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh. Việc chờ đợi môi trường khởi đầu hoàn hảo sẽ khiến cho cơ hội bị tuột mất.

2. Không quá đề cao vấn đề cạnh tranh

Tất cả các công ty đều phải đối mặt với sự cạnh tranh vì đây là một phần tự nhiên của kinh doanh. Thông thường, nó buộc họ phải tham gia vào một kiểu cạnh tranh nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Cách tiếp cận này tạo điều kiện cho sự phát triển của những đổi mới.

Jeff Bezos cho rằng: "Khách hàng muốn thứ gì đó tốt hơn và thường thậm chí không biết nó là gì. Mục đích của bạn là làm hài lòng người tiêu dùng và khuyến khích bản thân phát minh ra những thứ mới. Chưa từng có khách hàng nào yêu cầu Amazon tạo Chương trình Chuyển phát nhanh Prime, nhưng hóa ra đó lại là điều mà mọi người đều muốn".

3. Xây dựng quanh bạn nhóm cộng sự ngày càng tốt hơn

Amazon có những thủ thuật đặc biệt khi phỏng vấn nhân viên mới. Một nhân viên tiềm năng có thể được hỏi một câu hỏi như "Có bao nhiêu trạm xăng ở Mỹ?". Không ai biết câu trả lời chính xác, do đó ứng viên không cần thiết phải tìm câu trả lời này. Câu hỏi dạng này được đưa ra chủ yếu để đánh giá kỹ năng tư duy phản biện.

"Mỗi khi chúng tôi thuê ai đó, người đó cần phải nâng tiêu chuẩn cao hơn. Điều này cho phép toàn bộ nhóm cải thiện trong quá trình mở rộng và nâng cấp," Bezos nói.

4. Sử dụng 10% cơ hội

Lời khuyên của Jeff Bezos là "nếu bạn có 10% cơ hội nhận được mức lợi nhuận gấp 100 lần, hãy đặt cược vào đó mỗi khi bạn có cơ hội". Amazon Marketplace đã thất bại trong hai lần ra mắt đầu tiên.

Tuy nhiên nó vẫn tiếp tục được ra mắt lần thứ thứ ba. Kể từ đó, nó đã phát triển và đóng góp gần một nửa doanh số bán hàng của Amazon. Bí quyết nằm ở chỗ dám đưa ra quyết định kinh doanh táo bạo để đạt được thành công.

Không phải lúc nào bạn cũng đạt được điều mình muốn, nhưng bạn sẽ học được những điều giúp bạn đạt được lợi nhuận cao trong tương lai.

5. Liên tục đổi mới

Thành công hiện tại không đảm bảo cho sự thành công của bạn trong tương lai. Một doanh nhân không thể chắc chắn rằng ngành của mình sẽ không thay đổi. Nếu bạn không đổi mới, người khác sẽ làm và bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đó là lý do tại sao Jeff Bezos nhận ra tiềm năng của cá nhân hóa thương mại điện tử và tập trung sự chú ý của mình vào đây. Vì vậy, Amazon đã thành công và tiếp tục đổi mới để phù hợp.

6. Cắt giảm chi phí

Tỷ phú tương lai đã từng tự làm chiếc bàn làm việc đầu tiên của mình từ một cánh cửa và tiếp tục sử dụng nó ngay cả khi Amazon trở thành công ty đại chúng.

"Đạt được nhiều hơn với ít chi phí hơn. Những hạn chế sinh ra sự khéo léo, độc lập và tháo vát. Không ai đánh giá cao và tăng lương cho người làm gia tăng nhân công, thổi phồng ngân sách và chi phí" - Jeff Bezos cho biết.

Bạn không cần nhất thiết phải tháo những cánh cửa cũ và tạo ra những chiếc bàn làm việc từ chúng. Chỉ cần nghĩ về cách bạn có thể cắt giảm chi phí công ty hoặc cá nhân.

10 bí quyết thành công từ tỷ phú Amazon Jeff Bezos - Ảnh 2.

Tỷ phú Jeff Bezos

7. Xây dựng văn hóa khác biệt

Tìm những gì làm cho văn hóa kinh doanh của bạn trở nên độc đáo. Hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa việc trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Sau đó, hãy mời những người gần gũi với triết lý của bạn vào nhóm.

Amazon có một văn hóa doanh nghiệp khác biệt là vừa bị chỉ trích, vừa được khen ngợi. Nó sẽ không hoạt động hiệu quả trong bất kỳ công ty nào khác ngoài Amazon.

Jeff Bezos đã giải thích trong một lá thư gửi cho các cổ đông: "Một số doanh nghiệp lựa chọn văn hóa cạnh tranh nhằm cố gắng vượt qua các đối thủ. Một số lại lựa chọn hoặc bị thu hút bởi một văn hóa làm việc khác. May mắn thay, thế giới có rất nhiều cách tiếp cận rất khác nhau, hiệu quả cao. Chúng tôi không bao giờ nói rằng phương pháp của chúng tôi là đúng. Nó chỉ là thuộc về chúng ta thôi".

8. Không để quy trình làm mất đi tính linh hoạt của hệ thống

Lời khuyên của Jeff Bezos là một doanh nhân phải sẵn sàng cải thiện công việc kinh doanh và tìm kiếm sự đổi mới, thay vì để các quy trình quan liêu bóp nghẹt hệ thống. Các công ty lớn dễ dàng dần chấp nhận một "định dạng công việc", trong đó quy trình giết chết sự tiến bộ.

Bất chấp quy mô lớn, Amazon vẫn đang thể hiện sự sẵn sàng thay đổi. Điều này được chứng minh bằng các thử nghiệm và thử nghiệm liên tục của họ với Amazon Prime. Họ đã triển khai giao hàng miễn phí trong ngày và thậm chí giao hàng trong vòng một giờ thông qua Prime Now.

9. Học hỏi và cải thiện

Việc phá vỡ các phương thức kinh doanh truyền thống đã giúp Jeff Bezos làm nên thành công của Amazon. Elon Musk cũng có cách tiếp cận tương tự khi đã nghiên cứu những chiếc xe của Mercedes Benz trước khi bắt đầu thiết kế những chiếc xe hơi của Tesla.

Lời khuyên và tính cách của Jeff Bezos đã truyền cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân kế tiếp. Những người này bao gồm người sáng lập thương hiệu tất FEAT Taylor Offer (nằm trong danh sách Forbes 30 under 30).

Taylor Offer cho biết: "Chúng tôi đã phân tích ngành công nghiệp tất và rất ngạc nhiên khi các công ty phụ thuộc rất nhiều vào điểm bán hàng. Thông qua đó, chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội bán tất qua mạng xã hội. Đó là một ý tưởng điên rồ vào thời điểm đó, nhưng nó đã mang lại doanh thu hàng triệu USD".

10. Trở thành bậc thầy của sự thất bại

Nỗi sợ đưa ra một quyết định tồi tệ thường khiến một người không thể thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống. Nhưng, như Jeff Bezos đã nói, sẽ luôn có những sai lầm và nếu một doanh nhân không biết cách cải thiện tình hình sau những sai lầm nhỏ, họ sẽ khó khăn hơn nhiều với những sai lầm lớn. Hơn nữa, chúng sẽ có giá cao hơn.

Hãy thử trải nghiệm thất bại với cái giá khi còn rẻ, bạn sẽ hiểu cách hành động trong trường hợp thất bại và tìm được cách chống lại chúng trong tương lai. Bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng là một kinh nghiệm và cơ hội để trở nên tốt hơn. Tìm kiếm câu trả lời và học hỏi từ chúng để bạn có thể thành công trong lần thử tiếp theo.