Ý tưởng GoGoVan đến với Lam và 2 người đồng sáng lập Nick Tang và Reeve Kwan khi họ đang cùng điều hành một startup khác - chuyên bán quảng cáo trên các hộp đựng đồ mang đi (takeaway).
Họ nhận ra cơ hội quảng cáo khi cùng làm việc tại một nhà hàng Trung Quốc tại bang California (Mỹ) trong thời gian học quản trị kinh doanh ở Berkeley (Lam bắt đầu lại sự nghiệp học hành khi chuyển tới một cao đẳng cộng đồng của bang). Tuy nhiên, khi mang ý tưởng này về quê hương Hồng Kông, họ gặp vấn đề lớn trong việc vận chuyển hộp đựng đồ khắp thành phố đông đúc này.
Steven Lam (áo trắng) và những người đồng sáng lập GoGoVan.
Vào năm 2013, khi các nền tảng gọi xe bắt đầu "phất lên" trên toàn cầu nhưng ngành công nghiệp vận chuyển tại Hồng Kông vẫn theo lối truyền thống. Điều này có nghĩa là các công ty như startup của Lam phải phụ thuộc vào các trung tâm tổng đài, sử dụng một hệ thống tần số radio để thuê tài xế vận chuyển hàng.
Với Lam, Nick Tang và Reeve Kwan, cách làm này vô cùng kém hiệu quả bởi họ phải hoàn thành việc giao hàng trước 10h sáng. Họ cho rằng phải có cách làm tốt hơn.
"Một buổi sáng, chúng tôi phải giao 100.000 hộp đựng hàng và mọi thứ vô cùng hỗn loạn. Chúng tôi quyết định phải tìm ra một giải pháp", Lam kể lại.
Khởi đầu từ một nhóm trên WhatsApp
Khi tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trên, bộ ba nhanh chóng họ có thể làm việc hiệu quả ơn nhiều nếu có thể "gom" tất cả những tài xế đáng tin cậy nhất vào một nền tảng. Khi đó, họ chưa hề có ý định tấn công vào lĩnh vực mà Uber đang làm ở Mỹ mà chỉ đơn giản muốn giảm bớt gánh nặng cho startup quảng cáo của mình.
Họ khởi đầu bằng việc tạo ra hàng loạt nhóm trò chuyện nhỏ trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp để đăng tải thông tin tìm kiếm tài xế vận chuyển.
"Khi đó tôi thậm chí còn chưa biết Uber là gì", Lam cho biết. "Chúng tôi bắt đầu tự xây dựng sản phẩm của mình".
Ý tưởng này tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, bởi các nhóm WhatsApp chỉ giới hạn tối đa 10 người và các tài xế phải tìm kiếm công việc qua nhiều nhóm khác nhau. Bộ 3 người sáng lập bắt đầu gặp khó khăn trong việc sắp xếp đơn hàng theo thứ tự đăng ký của các tài xế.
"Cách làm này xử lý được một số vấn đề, nhưng chúng tôi nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu có một nhóm lớn hơn. Nhưng điều này không thể thực hiện trên WhatsApp khi đó", Lam cho biết. "Càng nói chuyện với các tài xế, chúng tôi càng nhận ra rằng họ không hài lòng với hệ thống tần số radio".
Từ đó, ba người quyết định thành lập nền tảng vận tải theo yêu cầu GoGoVan với số vốn khoảng 20.000 Đôla Hồng Kông (khoảng 2.560 USD). Việc đầu tiên họ làm là thuê một văn phòng nhỏ tại quận Kowloon và thuê 2 nhân viên: một kỹ sư và một thiết kế.
Nền tảng lớn vượt trội hơn hẳn về tốc độ so với hệ thống tần số radio nên nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của giới tài xế và các công ty khác. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, họ cần vốn.
9 tháng sau đó, GoGoVan nhận được khoản đầu tư 100.000 Đôla Hồng Kông (khoảng 12.812 USD). "Tới tháng 9, chúng tôi cạn tiền. Họ đã cứu chúng tôi từ vực thẳm"
Không lâu sau đó, GoGoVan tiếp tục nhận được đầu tư qua vài vòng gọi vốn để mở rộng ra quốc tế. Đầu năm 2016, startup này nhận đầu tư từ Alibaba và tới giữa 2017 chính thức đạt danh hiệu startup "kỳ lân" sau khi hoàn tất sáp nhập với hãng vận tải Trung Quốc 58 Suyun.
Đến nay, GoGoVan có mạng lưới gồm 8 triệu tài xế tại 300 thành phố và 6 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Đừng chờ ai đó đến giải quyết vấn đề, hãy tự mình làm"
Dù ngày càng thành công, Lam cho biết thói quen "đong đếm từng đồng" từ những ngày đầu thành lập công ty đã đi theo mình đến tận bây giờ và cũng chính là công cụ giúp công ty đạt được các dấu mốc đó.
"Một yếu tố của thành công là bước đi với nguồn lực hạn chế", Lam - người vẫn thường đến văn phòng vào cuối tuần để dọn dẹp, nói. "Đừng chờ ai đó đến giải quyết vấn đề, mà hãy tự mình làm".
Steven Lam
Với vai trò CEO của GoGoVan, đây là thái độ mà Lam muốn lan truyền tới 2.000 nhân viên của mình cũng như những người muốn trở thành doanh nhân.
"5 năm qua, tôi đã học được một điều rằng không có cái gọi là thời điểm hoàn hảo", Lam nói. "Cũng giống như Jeff Bezos của Amazon từng nói: 'Tôi chỉ cần 70% thông tin, không phải 100%. Nếu tôi đợi có 100% thông tin rồi mới quyết định thì đã quá muộn. Đưa ra một vài quyết định vẫn tốt hơn không có quyết định nào cả'".
"Những điều như vậy thực sự đúng, bao gồm việc thành lập một công ty", Lam nói. "Vì vậy hãy cứ bắt đầu thôi. Bạn sẽ không thể đến được nơi nào nếu không bắt đầu đi".