Nhà sáng lập Lotte không để lại di chúc, các con tranh giành ra sao?

26/01/2020 11:09 GMT+7

Đối với một vị vua, việc có nhiều con cái có thể sẽ dẫn đến tranh giành, làm tan rã đế chế của ông. Tình hình phức tạp hơn khi ông chết mà không để lại di chúc, như tập đoàn Lotte.

Trong 6 thập kỷ, Shin Kyuk Ho đã biến doanh nghiệp kẹo cao su của mình thành tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc , sở hữu từ khách sạn, trung tâm thương mại, đến chuỗi rạp chiếu phim và quán cafe. Nhưng ở tuổi “gần đất xa trời”, vấn đề sức khỏe của ông là điều mà ai cũng biết.

Cuối cùng, ông qua đời cuối tuần qua ở tuổi 97, sau nhiều năm bị chứng mất trí nhớ ngày càng nặng. Ông trùm của Lotte đưa con cái vào tham gia tập đoàn gia đình, nhưng ông chưa bao giờ chọn người thừa kế sự nghiệp. Ông thậm chí không để lại di chúc, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.

Nhà sáng lập Lotte không để lại di chúc, các con tranh giành ra sao? - Ảnh 1.

Ông Shin Kyuk Ho qua đời cuối tuần qua sau nhiều năm bị chứng mất trí nhớ. Ảnh: Bloomberg.

Những cuộc tranh giành đế chế hàng tỷ USD

Theo Bloomberg, ở Hàn Quốc, các tập đoàn gia đình thường cố kiểm soát đế chế của mình mà chỉ nắm giữ cổ phần ít nhất có thể. Trong khi các tỷ phú Hong Kong kiểm soát bằng cách nắm giữ khoảng 40-50% cổ phần, các tỷ phú Hàn Quốc thường chỉ giữ lượng cổ phần bằng nửa số đó. Chiến lược này thường khiến việc chuyển giao quyền lực trở nên phức tạp.

Việc thừa kế còn phức tạp hơn trong các trường hợp ly dị. Ngoài ra, ngày nay, việc “con cả thừa kế toàn bộ” không còn là điều nghiễm nhiên, và các em trai, em gái sẵn sàng kiện tụng đòi cổ phần, cũng theo Bloomberg.

Chẳng hạn, ở tập đoàn SK - lớn thứ ba Hàn Quốc, vụ ly hôn hàng tỷ USD có thể khiến chủ tịch Chey Tae Won mất quyền kiểm soát nếu vợ ông được trao đúng lượng cổ phần mà bà đang đòi. (Hiện ông Chey và các đồng minh đang nắm 26,7% của SK Group).

Trường hợp của tập đoàn Lotte cũng phức tạp như vậy.

Lotte được thành lập vào năm 1948 với nền tảng hoạt động ban đầu là sản xuất kẹo cao su. Hoạt động kinh doanh từng phải di rời sang Nhật Bản khi Triều Tiên nằm dưới sự thống trị của thực dân Nhật Bản.

Ông Shin kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và có hai con trai.

Từ 5 năm trước, hai con của ông Shin là con cả Shin Dong Joo và con thứ Shin Dong Bin đã tranh giành quyền lực khi sức khỏe của cha ngày càng giảm.

Tháng 7/2015, Dong Joo nói ông Shin đã ra lệnh loại em trai Dong Bin khỏi ban quản trị của Lotte Holdings, công ty mẹ có trụ sở ở Nhật Bản. Cùng ngày đó, Dong Bin lại triệu tập cuộc họp ban quản trị và cách chức chủ tịch của cha.

Giờ đây, anh cả Dong Joo có ít hy vọng giành lại quyền lực. Dù là trực tiếp hay thông qua công ty mình kiểm soát, Dong Bin có tới 21,2% cổ phần của Lotte, Park Sang Hyun, một nhà phân tích làm việc cho công ty nghiên cứu Smartkarma, nói với Bloomberg.

Thậm chí nếu Dong Joo thừa kế cổ phần của cha và dùng hết tiền để mua cổ phần của tập đoàn Lotte (Lotte Corp.), tổng số cổ phần mới chỉ 19,07%.

Nhưng trận chiến chưa kết thúc đối với Dong Joo. Bí ẩn vẫn còn đó, nằm ở 11,1% cổ phần do Hotel Lotte, công ty thuộc Lotte Japan, nắm giữ. Người anh cả có thể tăng tỷ lệ cổ phần trong đơn vị Nhật Bản bằng cách thuyết phục công đoàn nhân viên vốn đang nắm 28%. Nếu vậy, Dong Joo sẽ có thế đứng để vận động, giành lại chức vị lãnh đạo Lotte Corp.

Nhà sáng lập Lotte không để lại di chúc, các con tranh giành ra sao? - Ảnh 2.

Người sáng lập tập đoàn Lotte, ông Shin Kyuk Ho vừa qua đời ở tuổi 97. Ảnh: Bloomberg.

Cổ phiếu lên xuống do mâu thuẫn, cổ đông phải chấp nhận


Các nhà đầu tư đã học cách quen với những thất thường do mâu thuẫn gia đình. Giá cổ phiếu của tập đoàn Hanjin KAL, sở hữu hãng hàng không hàng đầu Korean Air, đã lên xuống “như tàu lượn” kể từ khi chủ tịch tập đoàn qua đời vào năm ngoái.

Kể từ khi ông qua đời, con gái cả Heather Cho thường xuyên chỉ trích em trai đang điều hành tập đoàn gia đình. (Bà Cho đã nổi tiếng, hay nói chính xác hơn là tai tiếng, sau vụ nổi đóa với tiếp viên hãng Korean Air chỉ vì đã phục vụ hạt mắc ca trong gói, thay vì trên đĩa). Bà cũng gặp gỡ các quỹ đầu tư chuyên thâu tóm các doanh nghiệp.

Với một nền kinh tế chững lại, dường như những cải cách nhắm vào giới tập đoàn gia đình (chaebol) ở Hàn Quốc, vốn là lời hứa tranh cử của Tổng thống Moon Jae In, không còn mạnh mẽ như trước.

Tuy nhiên, với việc các chủ tịch tuổi cao, qua đời, các vụ ly hôn đình đám và con cái tranh giành, Tổng thống Moon có thể không cần hành động gì thêm mà các tập đoàn gia đình trên cứ dần tan rã, Bloomberg bình luận.

Do mối liên kết sâu sắc với Nhật Bản, tập đoàn Lotte vấp phải sự phản đối dữ dội của công chúng Hàn Quốc và bị tẩy chay, đặc biệt trong những giai đoạn mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng.

Vào năm 2017, Lotte cũng là doanh nghiệp phải hứng chịu tổn thương lớn nhất khi Hàn Quốc vấp phải những đòn trả thù của Trung Quốc vì Seoul cho triển khai hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ . Khi đó, hầu hết hệ thống siêu thị của Lotte đều bị chính quyền Trung Quốc đình chỉ hoạt động và cuối cùng phải rút khỏi thị trường tỷ dân.

Năm 2018, ông Shin đã bị kết án ba năm tù do các hành vi biển thủ và vi phạm. Tuy nhiên, do tình trạng sức khỏe không đảm bảo nên ông đã được miễn thi hành án.

Lotte là một cái tên quen thuộc và là hình ảnh mang tính biểu tượng với người dân Hàn Quốc. Trụ sở 123 tầng của Lotte được coi là tòa nhà cao nhất nước này. Các sản phẩm mang thương hiệu của hãng đều rất phổ biến từ đồ ăn, thức uống cho đến siêu thị, khách sạn, công viên giải trí và rạp chiếu phim.