Nữ CEO 27 tuổi chia sẻ kinh nghiệm thành lập start-up triệu đô

18/06/2019 14:43 GMT+7

Nhiều người trong chúng ta từng mơ mộng về một ý tưởng kinh doanh triệu đô; mơ doanh nghiệp sẽ thành công trong nháy mắt khi chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc thực sự.


Nữ CEO 27 tuổi chia sẻ kinh nghiệm thành lập start-up triệu đô - Ảnh 1.

Ankiti Bose

Thực tế, số người đeo đuổi những ước mơ thuở niên thiếu đó lại rất hiếm hoi. Nhưng theo nhà sáng lập thương hiệu start-up thời trang lớn Zilingo, cô Ankiti Bose, điều đó không có vấn đề gì cả. Bản thân Ankiti cho biết cô từng có khoảng thời gian đi làm công rất vui vẻ trước khi tự ra khởi nghiệp.

Sự thật là, công việc khi đó đã giúp cho cô có được vị trí như hôm nay, Giám đốc điều hành (CEO) của Zilingo nói với chuyên mục CNBC Make It như thế. Công việc đó đã cho cô cơ hội để quan sát và học hỏi.

"Thực tế là trước đó, tôi từng làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và tư vấn, điều đó chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm về những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả, những gì sẽ xây dựng nên một doanh nghiệp bền vững", Ankiti chia sẻ về giai đoạn đầu khi còn là một nhân viên văn phòng.

Ankiti đã nghỉ việc vào năm 2015, ngay trước sinh nhật lần thứ 24 của cô, và cùng người đồng sáng lập Dhruv Kapoor dành 4 năm để xây dựng một nền tảng thương mại điện tử trị giá gần 1 tỷ USD, để giúp các nhà bán lẻ độc lập ở khu vực Đông Nam Á có thể kinh doanh trực tuyến sản phẩm của họ.

Tính đến tháng 2 năm nay, công ty Zilingo đặt trụ sở tại Singapore có 7 triệu người dùng hoạt động trên toàn cầu và được định giá 970 triệu USD. Việc này đã giúp Ankiti Bose trở thành người phụ nữ đầu tiên của Ấn Độ đồng sáng lập nên một công ty khởi nghiệp trị giá gần 1 tỷ USD.

Khoảng thời gian đi làm công là khoảng thời gian cô dành cho việc quan sát bối cảnh công nghệ đang phát triển của châu Á, đầu tiên là với tư cách một nhà tư vấn quản lý tại McKinsey, và sau đó là một nhà phân tích đầu tư tại Sequoia Capital ở Bangalore, Ấn Độ.

"Tôi nghĩ rằng nó đã cho Dhruv và tôi cơ hội đi du lịch quanh khu vực và thực sự hiểu được mong muốn của người tiêu dùng", cô nói về vai trò của công ty cô và công việc của Dhruv Kapoor, một kỹ sư phần mềm.

Ankiti nói với tư cách là một nhà phân tích đầu tư, cô đã theo dõi sự xuất hiện của các "ông lớn" về thương mại điện tử như Amazon, Alibaba và Flipkart tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ. Tuy nhiên, cô cũng nhìn ra được sự khan hiếm trong việc lựa chọn đối với người bán ở khu vực Đông Nam Á, một trong những thị trường sản xuất thời trang lớn nhất thế giới.

"Mặc dù vào thời điểm đó, mọi thứ đang diễn ra ở Ấn Độ và Trung Quốc, Đông Nam Á lại là thị trường phát triển rất nhanh và có không gian tối đa cho một sản phẩm như của chúng tôi", Ankiti chia sẻ khi đề cập đến chuyện cô đã phát hiện ra được cơ hội này khi du lịch tới chợ Chatuchak ở Bangkok, Thái Lan.

"Mọi người đều giải quyết được quyền truy cập vào internet, nhưng còn những thứ khác phát sinh trước khi bạn thực sự bán được sản phẩm thì sao?" Ankiti tiếp tục chia sẻ, đề cập đến những chướng ngại thường thấy đối với nhà bán lẻ như khâu thu mua, thiết kế và tài chính.

"Chúng tôi nói với nhau rằng nếu chúng tôi có thể giúp bên thương nhân lấp đầy hết những lỗ hổng này thì sao nhỉ?"

Bốn năm sau đó, Ankiti Bose vẫn giữ được khả năng quan sát nhạy bén đó. Cô nói rằng cô vẫn theo dõi ngành công nghiệp này và các đối thủ cạnh tranh rất chặt chẽ, để lúc nào cũng dẫn đầu trong khía cạnh này.

"Tôi nghĩ rằng cứ sau 3 hoặc 4 tháng, tôi lại học được một điều mới mẻ mà tôi không biết là đang xảy ra", Ankiti nói.