Khái niệm quản trị công ty không còn mới mẻ, tuy nhiên không ít các thành viên thị trường chưa thực sự hiểu và biết tới các nguyên tắc cơ bản của quản trị công ty, thậm chí nhầm lẫn với quản trị kinh doanh. Quản trị kinh doanh là điều hành quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Ban giám đốc thực hiện. Quản trị công ty là một quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện để bảo đảm cho việc thực thi quản trị kinh doanh phù hợp với lợi ích của các cổ đông.
Quản trị công ty tập trung xử lý các vấn đề thường phát sinh trong mối quan hệ ủy quyền trong công ty, ngăn ngừa, hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền và nhiệm vụ được giao để sử dụng tài sản, cơ hội kinh doanh của công ty phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân hoặc của người khác hoặc làm thất thoát nguồn lực do công ty kiểm soát.
Quản trị công ty tốt sẽ có tác dụng làm cho các quyết định và hành động của ban giám đốc thể hiện đúng ý chí và đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông và những người có lợi ích liên quan.
Theo đó, các nguyên tắc quản trị công ty theo quy định pháp luật Việt Nam bao gồm: đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; đảm bảo quyền lợi của cổ đông; đối xử công bằng giữa các cổ đông; đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; minh bạch trong hoạt động của công ty; HĐQT và Ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn lại một số trường hợp nổi cộm trong quản trị doanh nghiệp thời gian qua, dễ nhận thấy các nguyên tắc quản trị đã không được tuân thủ. Trong đó, một trong những vấn đề khiến cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy nhức nhối là việc cổ đông lớn đặt lợi ích của mình trên lợi ích doanh nghiệp, làm tổn thương tới lợi ích của công ty cũng như các cổ đông còn lại thông qua các "tiểu xảo" như lập công ty sân sau, công ty con cùng ngành để "san sẻ" hợp đồng, lợi dùng quyền lực thao túng nhân sự; không minh bạch trong quản lý…
Câu chuyện này phần nào được thể hiện trong trường hợp của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Theo đó, nhà đầu tư cảm thấy bất an khi Tập đoàn thường có nhiều giao dịch giá trị lớn lên tới con số hơn nghìn tỷ đồng với công ty của "người nhà", chính là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen của Chủ tịch HĐQT.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giao dịch với bên liên quan được coi là một trong những lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp của Hoa Sen khiến VDSC quan ngại về minh bạch tài chính của doanh nghiệp. Trong niên độ tài chính gần nhất, hơn 1/5 doanh số của Hoa Sen được tiêu thụ bởi các chi nhánh của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, trong khi lượng thép cán nóng mua từ Công ty này vượt 2.000 tỉ đồng.
Đây là lý do VDSC khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro quản trị doanh nghiệp ngay cả khi Hoa Sen đang có nhiều động thái cải thiện tình trạng này. Nguyên nhân bởi một mặt, HSG nhanh chóng "nhận chuyển nhượng" các chi nhánh từ công ty riêng của Chủ tịch để giảm xung đột lợi ích với các cổ đông thiểu số. Nhưng mặt khác, HSG vẫn có thể thực hiện giao dịch với các bên liên quan vào một thời điểm khác do những quyết định mua bán này có thể được linh hoạt theo ý chí của lãnh đạo có Công ty. Rủi ro này càng tiềm tàng khi chỉ được thể hiện trên báo cáo tài chính hàng quý.
Do đó, VDSC kỳ vọng việc hạn chế dòng tiền qua lại với công ty thuộc sở hữu của Chủ tịch sẽ khiến tài chính của Hoa Sen trở nên minh bạch hơn.
Việc các doanh nghiệp có mối quan hệ "thân quen" khi cùng chung cổ đông/nhóm cổ đông nắm vai trò lãnh đạo làm dấy lên những nghi ngờ và khiến nhà đầu tư không thể yên tâm, nhất là khi họ không có đủ công cụ, điều kiện để kiểm soát mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp này.
Nghiên cứu của nhiều tổ chức kinh tế lớn, trong đó có McKinsey & Company, Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ mối liên hệ mật thiết giữa hiệu quả quản trị công ty với giá cổ phiếu doanh nghiệp. Theo đó, quản trị tốt giúp giá cổ phiếu duy trì sức mạnh, mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư và ngược lại. Câu chuyện này một lần nữa vừa được chứng minh qua biến động tại CTCP Landmark Holdings (LMH).
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu LMH đã giảm sàn 26 phiên liêp tiếp tính từ ngày 25-12-2019. Cùng với đó, kết quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp không lấy làm tích cực khi doanh thu năm 2019 giảm 48% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế giảm 86%. Giải trình nguyên nhân, Landmark Holding cho biết do lợi nhuận từ công ty mẹ giảm, trong đó công ty mẹ đang giảm dần hoạt động kinh doanh xăng dầu và sẽ ngưng kinh doanh lĩnh vực này.
Đáng chú ý, kinh doanh xăng dầu đang là hoạt động đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận của LMH, trong khi Công ty chưa có doanh thu từ bất động sản.
Câu chuyện này gây chấn động, bởi nhà đầu tư, cổ đông của doanh nghiệp cảm thấy ngỡ ngàng trước sự "bẻ lái" của doanh nghiệp. Theo đó, các cổ đông không được xin ý kiến, cũng không được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan tới quyết định chuyển hưởng kinh doanh tập trung vào năng lượng tái tạo và bất động sản. Sự không minh bạch này và động thái mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ rất đáng để cổ đông đặt vấn đề "mình có thể đang bị trục lợi", Hội đồng quản trị đã không hành động vì lợi ích chung của toàn bộ cổ đông, đặc biệt cổ đông nhỏ bên ngoài.
Một khi các yếu tố quản trị bị lơ là, thậm chí làm trái, quyền lợi của các nhà đầu tư, cũng như cổ đông nhỏ, vốn ở thế yếu, càng trở nên mong manh hơn. Hơn bao giờ hết, nhà đầu tư cần có các biện pháp bảo vệ cao hơn, trong đó bao gồm tiêu chí chống kiêm nhiệm, chống những người có liên quan tham gia điều hành doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố minh trong quản trị…