Quy trình thủ tục: "Chiếc thòng lọng" siết doanh nghiệp BĐS

14/03/2018 18:00 GMT+7

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng quá rườm rà như hiện nay không khác gì chiếc thòng lọng trên cổ các doanh nghiệp.

Quy trình thủ tục hành chính liên quan đến triển khai một dự án bất động sản là nội dung nhận được nhiều phản hồi của các doanh nghiệp tại diễn đàn "Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường bất động sản TP HCM" vừa tổ chức cuối tuần qua.

Theo Đề án phát triển thị trường bất động sản TP HCM, nội dung phần cải cách thủ tục hành chính được nêu ngắn gọn: Nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND thành phố quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc rút ngắn quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng theo cơ chế một cửa liên thông, trực tuyến ở mức độ 3.

Quy trình thủ tục: Chiếc thòng lọng siết doanh nghiệp BĐS - Ảnh 1.

Dự án Saigon One Tower bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản tham gia diễn đàn cho rằng quy trình thủ tục hiện tại chính là vấn đề gây nhiều bức xúc nhất cho họ trong thời gian qua.

Thông tin từ đại diện các doanh nghiệp cho biết giai đoạn trước khi có Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6-9-2006, chủ đầu tư chỉ mất khoảng một năm để thực hiện hai bước thủ tục là quyết định giao đất và phê duyệt quy hoạch cho khởi công dự án.

Kể từ sau Nghị định 90/2006/NĐ-CP, doanh nghiệp phải mất 2-3 năm do có thêm khâu phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy...

Chưa hết, sáu năm sau từ Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4-9-2012, dự án phát triển nhà ở đều phải thực hiện thêm các nội dung về quản lý dự án đầu tư, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được cấp phép xây dựng. Thời gian cấp giấy chứng nhận rất lâu, có khi phải mất tới 3 - 4 năm.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết hiện nay, để được khởi công một dự án, nhà đầu tư và nhà thầu phải đợi có giấy phép quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư rồi thông qua ba khâu thủ tục khác mới được động thổ.

"Tôi kiến nghị Nhà nước nên nhanh chóng có các biện pháp để giảm thời gian làm thủ tục cấp phép xây dựng. Theo tôi, sau khi có giấy phép quy hoạch, Nhà nước nên cho phép chủ đầu tư thi công xây dựng móng và tầng hầm, sau đó tiếp tục xin các giấy phép bổ sung khác như giấy phép chứng nhận đầu tư", ông Đực kiến nghị.

Cũng theo vị lãnh đạo Địa ốc Đất Lành, nếu thủ tục cứ kéo dài thêm một năm, chi phí xây dựng sẽ đội lên 5% do chủ đầu tư phải tăng thêm chi phí quản lý và trả lãi suất ngân hàng. Giá bán nhiều chung cư bị đội lên cao hơn giá trị thực tế cũng vì thế.

"Thủ tục hành chính nhiêu khê và lãi suất ngân hàng chính là hai "chiếc thòng lọng" siết những doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Đực cho biết.

Quy trình thủ tục: Chiếc thòng lọng siết doanh nghiệp BĐS - Ảnh 2.

Các diễn giả tham gia diễn đàn.

Có chung cùng bức xúc như trên, đại diện đến từ Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn chia sẻ vì là công ty nhà nước nên các thủ tục cấp phép mà Chợ Lớn phải thực hiện còn phức tạp gấp đôi các công ty tư nhân.

Ví dụ, bất cứ phúc đáp, giải trình hay giấy tờ quan trọng gì mà Chợ Lớn trao đổi với đối tác hay cơ quan Nhà nước đều phải thông qua một bước nữa là trình với công ty cấp trên.

Bên cạnh đề xuất liên quan đến rút ngắn thủ tục hành chính, đại diện công ty này còn mong muốn Nhà nước có các biện pháp cưỡng chế phù hợp nếu một vài hộ dân trong dự án cố tình chây ì làm khó dễ nhà đầu tư.

"Dù khó nhưng chúng ta phải có giải pháp hiệu quả, không thể để dự án rơi vào thế bế tắc chỉ vì một vài cá nhân cố tình gây rối", đại diện Công ty Địa ốc Chợ Lớn đề nghị.

Đại diện các doanh nghiệp cho biết đã có rất nhiều lời hứa hẹn từ các cơ quan chức năng sẽ cải thiện tình trạng trên, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa thấy bất cứ thay đổi gì.

Trước kiến nghị từ đại diện Công ty Địa ốc Đất Lành và Địa ốc Chợ Lớn, đại diện Sở Xây dựng tham gia diễn đàn chỉ nghe và im lặng, không có bất cứ phản ứng hay cam kết cụ thể nào.