Warren Buffett: Kiếm tiền trong suy thoái, đặt cược lớn vào cổ phiếu dầu mỏ

28/05/2023 08:31 GMT+7

Nguy cơ suy thoái ở Mỹ cùng với triển vọng Fed tăng lãi suất đang thúc đẩy các nhà đầu tư mua cổ phiếu phòng thủ và đi theo con đường của tỷ phú 92 tuổi. Buffett liên tục đầu tư vào các hãng dầu, dù giá giảm, nhiên liệu hóa thạch bị xa lánh và công ty của ông từng lỗ nặng vì ngành này.

Warren Buffett: Kiếm tiền trong suy thoái, đặt cược lớn vào cổ phiếu dầu mỏ - Ảnh 1.

Warren Buffett

Theo trang tin Bloomberg, giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ và tìm mọi cách để vượt qua nó. Trong lúc này, một vài ý tưởng chung về những cổ phiếu phòng thủ và Warren Buffett đã cùng lóe lên.

Cụ thể, theo khảo sát mới nhất của Markets Live Pulse, các chuyên gia tài chính và nhiều quỹ đầu tư hiện cho rằng cổ phiếu của Berkshire Hathaway đáng lẽ phải có giá cao hơn, và họ đặt cược rằng tập đoàn này sẽ làm tốt kể cả khi thị trường rơi vào suy thoái.


Hơn một nửa trong số 352 người được hỏi tự tin rằng lợi nhuận của Berkshire trong vòng 5 năm tới sẽ đánh bại chỉ số S&P 500. Còn trong cuộc họp cổ đông tuần vừa qua với Warren Buffet, 80% cổ đông của tập đoàn đều bày tỏ sự tin tưởng với vị tỷ phú này.


Được biết, trong giới đầu tư, niềm tin vào năng lực của huyền thoại Buffett đang ngày càng tăng khi các nhà kinh tế học mới đây đã nhận định rằng có 65% nguy cơ suy thoái tại Mỹ. Theo họ, đây sẽ là thời điểm mà giá trị kỷ luật của vị tỷ phú được tỏa sáng.


Đối với những người tham gia khảo sát, đầu tư cho cổ phiếu phòng thủ trong thời gian tới là lựa chọn tối ưu hơn vì nó có khả năng tăng giá tốt hơn cổ phiếu công nghệ. Và đây chính xác là những gì Berkshire Hathaway đang làm do tỷ phú Buffet cảm thấy cổ phiếu ngành công nghệ đang được định giá quá cao.


Theo 80% nhà đầu tư, vị tỷ phú chắc chắn đang chờ đợi những cổ phiếu có giá trị thấp hơn giá trị thực của chúng - điều mà ông luôn nhắc đi nhắc lại trong những bức thư thường niên gửi cổ đông.


Ngoài ra, giới đầu tư còn cho rằng khi mua cổ phiếu của Berkshire, đã có 5-10% là phí đảm bảo lợi nhuận từ Warren Buffett. Điều này không hề sai khi cổ phiếu của tập đoàn này luôn mang lại mức lợi nhuận hàng năm thấp nhất là 9,5% trong suốt thập kỷ qua - lớn hơn nhiều so với mức tăng 6,5% của S&P 500.


Do đó, khi tỷ phú Buffett tỏ ra quan tâm đến tài chính Nhật Bản, giới đầu tư toàn cầu cũng đồng tình rằng thị trường chứng khoán tại đất nước mặt trời mọc hiện có giá trị hơn và dễ kiếm lợi nhuận hơn chứng khoán Mỹ. Được biết, tỷ suất lợi nhuận tiềm năng của chứng khoán Nhật Bản là 5,8% - cao hơn một chút so với con số tiềm năng 5,3% của S&P 500.


Ngoài ra, chứng khoán Mỹ chắc chắn phải đối mặt với một đợt tăng lãi suất nữa còn chứng khoán Nhật Bản thì không. Tại nền kinh tế châu Á này, nhà đầu tư thậm chí còn được hưởng mức chi phí đi vay thấp vì ngân hàng trung ương đã kiểm soát được đường cong lợi suất.


Do đó, một câu hỏi chắc chắn sẽ được đưa ra trong cuộc họp tới đây của tỷ phú Buffett là về khả năng đầu tư vào Nhật Bản và tương lai của khối tiền mặt khổng lồ tại Berkshire.


Vì sao Warren Buffett đặt cược lớn vào cổ phiếu dầu mỏ?

Năm 2008, Berkshire Hathaway – công ty đầu tư của Warren Buffett mua cổ phần lớn trong hãng dầu ConocoPhillips. Khi suy thoái toàn cầu ập tới, giá dầu cùng giá cổ phiếu ConocoPhillips lao dốc. Berkshire lỗ lớn, trải qua năm tệ nhất kể từ khi Buffett tiếp quản đầu thập niên 60.

"Tôi đã quá sai lầm", Buffett – Chủ tịch kiêm CEO Berkshire cho biết trước các cổ đông năm 2009.

Sau đó, Berkshire tiếp tục thử sức với ngành này. Họ đầu tư vào Exxon Mobil vài lần trong các năm sau đó. Nhưng đến 2014, họ phải bán tháo cổ phần khi giá dầu ghi nhận một trong những năm giảm mạnh nhất lịch sử.

"Chúng tôi sẽ không thường xuyên mua cổ phiếu dầu khí nữa", Buffett cho biết trong đại hội cổ đông năm 2015.

WSJ cho rằng khi đó, huyền thoại đầu tư dường như đã chán ngấy cổ phiếu dầu mỏ. Nhưng năm ngoái, cổ phiếu Occidental Petroleum lại lọt vào tầm ngắm của Buffett.

Vì sao Warren Buffett đặt cược lớn vào cổ phiếu dầu mỏ? - Ảnh 1.

Warren Buffett hiện là Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. Ảnh: AP

Tháng 3/2022, CEO Occidental Petroleum Vicki Hollub đang lái xe đến xem một trận bóng chày ở trường đại học thì điện thoại đổ chuông. Hollub bắt máy. Ở đầu bên kia, Buffett nói: "Chào Vicki, tôi là Warren đây. Chúng tôi vừa mua 10% cổ phần công ty cô". Trước đó, cổ phiếu Occidental tăng cao, nhưng không ai biết lý do.

Cuộc gọi này đã mở đầu cho cơn sốt mua cổ phiếu dầu mỏ của Berkshire. Vài tháng sau đó, họ mua thêm cổ phiếu Occidental. Kể cả khi giá dầu giảm từ đỉnh, Berkshire vẫn mua vào, liên tục trong tháng 7, 8, 9/2022 và tháng 3/2023. Họ cũng tăng cổ phần trong đối thủ của Occidental là Chevron trong quý I năm nay.

Hiện tại, Berkshire là cổ đông lớn nhất tại cả Occidental và Chevron. Cổ phiếu năng lượng hiện chiếm 14% danh mục cổ phiếu của họ, tính đến cuối năm 2022. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2000.

Cổ phiếu Occidental đã tăng 5% kể từ khi Berkshire công bố cổ phần hồi tháng 3/2022. Chevron thì lại giảm 1,8% từ tháng 4/2022.

"Cách họ đầu tư cho ngành năng lượng khiến bạn nghĩ rằng kỷ nguyên bùng nổ đang diễn ra", Cole Smead – CEO Smead Capital Management nhận xét. Điều đáng ngạc nhiên là Buffett – một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới – lại chọn thời điểm này để mua cổ phiếu dầu mỏ.

Giá dầu thô Mỹ WTI hiện chỉ còn quanh 69 USD một thùng, sau khi vọt lên 130 USD năm ngoái vì chiến sự tại Ukraine. Thái độ của xã hội với nhiên liệu hóa thạch cũng thay đổi trong vài năm qua. Các doanh nghiệp ngày càng chịu sức ép hạn chế khí thải carbon.

Điều ngạc nhiên nhất là cổ phiếu năng lượng vài năm qua chủ yếu đi xuống. Chu kỳ bùng nổ - lao dốc, làn sóng phá sản và lo ngại về tương lai của nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhóm năng lượng trong chỉ số S&P 500 có diễn biến kém xa trung bình thị trường.

"Có sự khác biệt lớn giữa thứ họ quan tâm và thứ những người khác đang mua", Smead nhận xét về Buffett và các phó tướng của ông.

Tại sao Berkshire lại đặt cược lớn vào cổ phiếu năng lượng? Cuối tuần này, Berkshire Hathaway sẽ tổ chức đại hội cổ đông. Buffett và các cộng sự chắc chắn sẽ phải trả lời câu hỏi về lý do mua cổ phần lớn trong hai hãng dầu thuộc top lớn nhất vùng Permian Basin (Texas, Mỹ). Họ cũng sẽ được hỏi về tương lai ngành này trong bối cảnh thế giới muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Liệu Buffett có thể giải thích lần này có gì khác biệt hay không?

Các nhà đầu tư và nhà phân tích đã theo dõi Buffett nhiều năm qua cho rằng nguyên nhân là thế giới sẽ vẫn cần dầu thô, nếu không muốn nói là cần rất nhiều, bất chấp các mục tiêu tham vọng về khí hậu. Việc này sẽ giúp các công ty như Occidental và Chevron tiếp tục kiếm lời từ bán dầu trong nhiều năm nữa.

"Có vẻ quan điểm của họ là quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến", Bill Stone – Giám đốc Đầu tư tại Glenview Trust cho biết. Năm 2022, Buffett từng nhận định Mỹ vẫn chưa tiến gần mốc có thể từ bỏ dầu thô hoàn toàn.

"Nếu chúng ta cố gắng thay đổi, ví dụ trong 3 năm hay 5 năm, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng với tôi, xác suất điều này thành hiện thực là cực kỳ thấp", ông cho biết trong đại hội cổ đông năm ngoái, "Hãy thử làm việc mà không dùng đến 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, và xem chuyện gì sẽ xảy ra vào hôm sau".

Berkshire từng khiến nhiều cổ đông bất mãn vì đầu tư vào PetroChina năm 2007. Công ty mẹ của hãng dầu Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với chính phủ Sudan trong cuộc chiến tại Dafur năm 2003. Năm 2007, Berkshire thông báo đã bán toàn bộ cổ phần trong này, ghi nhận khoản lời 3,5 tỷ USD. Buffett khẳng định trên Fox Business Network rằng các quyết định của ông "hoàn toàn dựa trên định giá".

James Shanahan – nhà phân tích tại Edward Jones cho rằng các khoản đầu tư của Berkshire vào ngành năng lượng cho thấy Buffett "vẫn coi trọng các ngành công nghiệp truyền thống".

Các nhà đầu tư theo dõi Buffett và phó tướng Charlie Munger lâu năm nói rằng hai tỷ phú rất ngại rủi ro. Việc này càng khiến khoản đầu tư của Berkshire khó hiểu. Vì lợi nhuận của các công ty này phụ thuộc vào giá dầu – vốn biến động theo các yếu tố khó lường, như tăng trưởng kinh tế, cú sốc địa chính trị hay tốc độ khoan thăm dò của các doanh nghiệp.

"Hollub nói bà ấy không biết giá dầu năm sau sẽ ra sao. Chẳng ai biết cả", Buffett cho biết trong ĐHCĐ năm ngoái.

Mohnish Pabrai - nhà sáng lập Pabrai Investments Funds thì cho rằng có thể tỷ phú tin giá chỉ biến động trong một khoảng nhất định, đủ giúp các hãng dầu có lãi. Ông từng ăn tối với Buffett sau khi chiến thắng cuộc đấu giá từ thiện năm 2008.

Nhiều hãng dầu cho biết vẫn sẽ có lãi nếu giá dầu kém xa mức hiện tại, nhờ tiến bộ công nghệ. Ví dụ, Occidental khẳng định kể cả nếu giá xuống 40 USD một thùng, họ vẫn có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cả Occidental và Chevron đều thống trị khu vực Permian Basin. Đây là một trong những mỏ dầu có trữ lượng dồi dào nhất thế giới. Hồi tháng 2, khi được hỏi liệu Berkshire có giữ cổ phần trong Occidental và Chevron trong thời gian dài hay không, Munger nói rằng "đây có thể là một khoản đầu tư dài hạn".

Một lý do khác là Hollub dường như đã chiếm được sự tin tưởng của Buffett. Trong quá khứ, nhiều hãng dầu từng sai lầm khi tăng sản xuất ngay khi giá dầu lên cao. Hollub thì khác, nhiều năm sau đại dịch, bà vẫn chỉ đạo Occidental trả nợ, trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ. Động thái này được đánh giá là hợp ý Buffett.

"Về cơ bản, bà ấy giống Buffett ở điểm luôn nghĩ về việc trả tiền mặt cho cổ đông", Pabrai nói.

Cả Buffett và Munger đều gây dựng Berkshire để tồn tại trong dài hạn. "100 năm tới, đường sắt sẽ vẫn hoạt động", Pabrai nói, đề cập đến công ty con BNSF Railway thuộc Berkshire. "Mảng năng lượng cũng sẽ còn đó trong thời gian dài", ông bổ sung.

"Họ không theo đuổi xu hướng, mà luôn tìm các khoản đầu tư đơn giản nhất có thể", Pabrai kết luận.

Warren Buffett liên tục bán cổ phiếu 'trùm' xe điện Trung Quốc

Berkshire Hathaway - công ty đầu tư của Warren Buffett - vừa bán thêm cổ phiếu BYD và hiện nắm chưa đầy 10% cổ phần hãng này.

Trong báo cáo nộp lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) hôm 8/5, Berkshire cho biết đã bán thêm 1,96 triệu cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc BYD, trị giá 58,9 triệu USD. Hiện tại, Berkshire còn nắm hơn 108 triệu đơn vị, nhưng cổ phần chỉ bằng một nửa so với tháng 8 năm ngoái – thời điểm họ bắt đầu bán cổ phiếu hãng này.

Trong Đại hội cổ đông Berkshire tuần trước, Buffett không giải thích lý do tại sao bán cổ phiếu BYD mà ông từng ca ngợi rất nhiều. Cũng không có cổ đông nào đặt câu hỏi về việc này. Buffett thường không đề cập đến các cổ phiếu ông mua bán khi vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Warren Buffett liên tục bán cổ phiếu trùm xe điện Trung Quốc - Ảnh 1.

Warren Buffett (cà vạt đỏ) trong lễ ra mắt xe của BYD ở Bắc Kinh năm 2010. Ảnh: Xinhua

Dù vậy, trong Đại hội cổ đông, Buffett cũng bình luận về cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện tại Mỹ và cho biết còn quá sớm để tuyên bố ai là người chiến thắng. Cả ông và phó tướng Charlie Munger đều khẳng định chưa muốn đầu tư thêm vào ngành ôtô.

"Charlie và tôi từ lâu cảm thấy ngành ôtô quá khắc nghiệt. Đây là ngành mà anh có đối thủ trên toàn thế giới và dường như lúc nào cũng có người chiến thắng, chỉ là không mãi mãi mà thôi", Buffett nói.

Berkshire lần đầu rót tiền vào BYD năm 2008 với 22 triệu USD. Buffett từng khen nhà sáng lập BYD Wang Chanfu và còn đến thăm nhà máy của công ty này ở Trung Quốc năm 2010.

Đến nay, BYD đã trở thành một trong những hãng xe điện lớn nhất thế giới. Năm ngoái, họ bán được gần 1,9 triệu xe.

Tháng 7 năm ngoái, trước thời điểm Berkshire bắt đầu bán cổ phiếu BYD, cổ phần của họ trong công ty này có giá hơn 9,5 tỷ USD. Kể cả sau khi đã bán, họ vẫn còn hơn 3,3 tỷ USD.

Theo quy định, Berkshire phải công bố thông tin mỗi khi cổ phần giảm 1%. Trong lần công bố trước đó, họ vẫn còn nắm 119,7 triệu cổ phiếu BYD, tương đương 10,9% công ty này.

Danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire hiện vào khoảng hơn 300 tỷ USD, trong đó có 159 tỷ USD là cổ phiếu Apple. Họ còn nắm lượng lớn cổ phiếu Bank of America, Coca-Cola và American Expres.