Lúc 0 giờ ngày 10-2, “cha đẻ” của game di động Flappy Bird, anh Nguyễn Hà Đông, đã chính thức gỡ bỏ trò chơi này trên các gian hàng ứng dụng App Store và Google Play. Đây là thông tin thực sự rất sốc không chỉ cho cộng đồng người hâm mộ Flappy Bird mà còn với cả làng công nghệ Việt Nam và thế giới.
Một quyết định bất lợi
Quyết định trên được Hà Đông đưa ra sau khi đứa con tinh thần của anh bị một số trang mạng chỉ trích là ăn cắp ý tưởng hình ảnh từ Super Mario Brother của Nintendo hay game Piou Piou. Đó là chưa kể cộng đồng trong nước còn đồn đoán rằng hãng Nintendo có thể buộc Hà Đông đền bù 6 tỉ USD vì vi phạm bản quyền hay Tổng cục Thuế đã bắt đầu “dòm ngó” đến khoản thu nhập lớn của anh dù nó vẫn chưa được Google chi trả…
Việc trò chơi Flappy Bird bị gỡ bỏ đã gây sốc cũng như sự tiếc nuối của người chơi và làng công nghệ thế giới Ảnh: Internet
Vài giờ trước khi Hà Đông công bố “tự giết chết” game này, rất nhiều bình luận từ các thành viên cộng đồng mạng thế giới và trong nước khuyên tác giả của Flappy Bird suy nghĩ lại. Nhiều người bày tỏ sự luyến tiếc trước cơ hội cũng như tiềm năng phát triển của anh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty ePi Technologies, việc gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu quảng cáo vì người dùng đã tải về vẫn chơi, trong khi các rắc rối liên quan tới ứng dụng này sẽ được chấm dứt. |
Theo ông Tân, rất khó để lặp lại một thành công như trường hợp game Flappy Bird vừa qua. “Quyết định gỡ bỏ game có vẻ được đưa ra hơi vội vàng khiến các bước đi tiếp theo của Hà Đông bị hạn chế rất nhiều” - ông Tân nhận định.
Ngoài ra, ông Tân còn cho rằng việc đóng Flappy Bird cùng với thông tin từ tác giả khá mù mờ chắc chắn bất lợi cho Hà Đông trong việc sử dụng tên tuổi, thương hiệu của mình để phát triển game tiếp theo.
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông, ông Tân phân tích: “Ở trong tâm điểm chú ý của báo chí và xã hội mà càng tránh đối diện với các nghi vấn bản quyền, đóng thuế, trình độ… thì càng tạo thêm những lời đồn đại và hồ nghi. Hà Đông nên trả lời minh bạch các thông tin có tính cách chất vấn, đồn đại như vậy”.
Theo một chuyên gia công nghệ, quyết định của Hà Đông là quyết định cá nhân, không có gì đáng trách. Thế nhưng, một lần nữa, sản phẩm trí tuệ của một người Việt Nam lại phải chịu đầu hàng trước sức ép từ sự quan tâm thái quá của đám đông. Việc này có thể khiến nhiều lập trình viên, dân công nghệ e ngại, ảnh hưởng đến việc phát triển của ngành công nghệ nước nhà.
Lời xin lỗi muộn màng
Trong khi đó, chỉ 1 ngày sau khi Nguyễn Hà Đông khai tử Flappy Bird, Kotaku.com, trang web từng cáo buộc anh đạo game, đã công khai đăng tải bài viết xin lỗi cha đẻ game Flappy Bird: “Chúng tôi xin lỗi vì những gì mình viết đã góp phần gây ra sự bức xúc mà bạn phải nhận. Chúng tôi ước rằng mình có thể làm lại…”.
Tác giả bài chỉ trích Hà Đông trên Kotaku, Jason Schreier, nói rằng anh đã dành nhiều thời gian trong những ngày sau đó để đọc các phản ứng, phản hồi về bài báo và chừng ấy thời gian để “ân hận”. “Đó là bài viết ác ý, thấp hơn mọi chuẩn mực nghề nghiệp thông thường... Xin lỗi về những gì đã xảy ra. Xin lỗi Dong Nguyen về những từ ngữ thiếu chọn lọc mà tôi đã sử dụng. Hy vọng anh có thể tìm thấy sự thanh thản” - Jason Schreier thừa nhận.
Còn bài viết của tác giả Stephen Totilo thì khẳng định: “Chúng tôi mong Dong Nguyen sẽ được bình lặng và yên thân khi tung ra những game tiếp theo. Chúng tôi sẽ vẫn chơi chúng và đưa tin về chúng với sự tôn trọng”.
Cần sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, cho biết hiện có rất nhiều game trên internet và mức độ cạnh tranh của các game rất cao. Cái hay của Flappy Bird là có những hành động mới lạ, khác biệt… so với những game khác.
“Tôi đánh giá rất cao những sản phẩm có sự khác biệt, dù đơn giản nhưng thể hiện được sự tìm tòi và sáng tạo của tác giả. Chính sự khác biệt này đã làm cho Flappy Bird thu hút hàng triệu người trên thế giới. Điều này rất quan trọng và tạo niềm tin ở giới trẻ là họ có thể làm ra được những sản phẩm công nghệ tốt, được sự đánh giá cao của cộng đồng, hơn là phải tập trung vào lấy bằng này, bằng nọ mà không có ứng dụng cụ thể” - ông Thắng nhận xét.
Cũng như ông Tân, ông Thắng cho rằng cơ hội lần thứ 2 để có sản phẩm thành công tương tự Flappy Bird là rất khó và có thể không biết bao giờ. Do đó, nếu có sản phẩm thành công tương tự thì cộng đồng mạng nên bình tĩnh, có suy nghĩ tích cực, không chạy theo đám đông.
“Tôi kêu gọi cộng đồng, những nhà phát triển phần mềm, những nhà đầu tư nên thành lập một ekip hỗ trợ tác giả, hỗ trợ những vấn đề pháp lý, bản quyền… để đưa sản phẩm vươn xa, góp phần đưa công nghệ Việt ra thế giới. Sự soi mói, đố kỵ, phán xét của cộng đồng mạng một cách thái quá đã tác động tiêu cực đến cá nhân tác giả” - ông Thắng băn khoăn.
Ngoài ra, theo ông Thắng, Việt Nam cũng nên đẩy mạnh thành lập các quỹ đầu tư công nghệ tư nhân (như nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài) để có thể đứng ra lo các vấn đề pháp lý, bản quyền, tiếp thị… cho sản phẩm và bảo vệ quyền lợi tác giả.
Tôi không nghĩ đó là một sai lầm!
Nguyễn Hà Đông vừa có cuộc diện kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tạp chí Forbes cho biết đã phỏng vấn ngắn anh tại một khách sạn ở Hà Nội trước cuộc diện kiến này. Forbes mô tả Nguyễn Hà Đông như là một lập trình viên có vẻ ngoài đậm chất thể thao, liên tục hút thuốc và vẽ nguệch ngoạc một chú khỉ trên mẩu giấy khi đang trò chuyện...
Về việc gỡ bỏ Flappy Bird, Đông thổ lộ: “Tôi không nghĩ đó là sai lầm. Đó là một sự giải thoát… Cuộc sống của tôi đã không còn thoải mái như trước kia. Tôi không thể ngủ được và khi xóa bỏ Flappy Bird, tôi cảm thấy nhẹ nhõm…”. |