Bất cập trong thương mại điện tử

10/08/2012 09:23 GMT+7

Hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam đang tồn tại những bất cập khiến kẻ xấu lợi dụng lừa đảo nhiều người

Hoạt động thương mại điện tử cần được quản lý, chế tài chặt chẽ hơn
 
Hàng loạt vụ lừa đảo, thiếu minh bạch trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã làm cho nhiều người bị thiệt hại nghiêm trọng.

Lợi dụng kẽ hở

Có thể thấy 2 vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là việc lợi dụng TMĐT để bán hàng đa cấp, thu lợi nhuận trái phép mà điển hình là vụ việc liên quan đến trang mạng Muaban24.

Sở dĩ các hoạt động bán hàng đa cấp, giả danh TMĐT như Muaban24 có thể tồn tại, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người là do các đối tượng xấu đã lợi dụng nhiều kẽ hở về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
 
Tuy chưa được cơ quan chức năng cấp phép giao dịch TMĐT nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn treo băng rôn, quảng cáo là sàn giao dịch TMĐT mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, trong Nghị định 57⁄CP về TMĐT cũng không có quy định về việc bán hàng đa cấp trong TMĐT. Từ đó, Muaban24 đã lợi dụng kẽ hở này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều người.
 
Về mua hàng khuyến mãi qua hình thức mua chung giảm giá, Nghị định 57/CP cũng không đề cập việc quản lý, chế tài đối với hoạt động này. Tuy Bộ Công Thương gần đây có đưa ra các cảnh báo liên quan đến hình thức TMĐT này nhưng lại không có quy định ràng buộc, xử phạt chặt chẽ. Kết quả là hàng loạt người phải gánh chịu hậu quả khi sử dụng dịch vụ này như mua phải hàng kém chất lượng.
 
Trong khi đó, doanh nghiệp mở website TMĐT, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trên TMĐT qua hình thức mua chung thì chối bỏ hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, người dân có đi kiện cũng khó được giải quyết sòng phẳng.
 
Cần có chế tài chặt chẽ hơn
 
Hiện nay TMĐT tại Việt Nam đang phát triển nhanh, trong khi đó, liên quan đến việc quản lý, điều chỉnh, xử lý các hoạt động này là Nghị định 57⁄CP ban hành từ năm 2006 có nhiều điểm không còn phù hợp. Vì vậy, cần sớm có quy định mới bám sát thực tế hơn, có chế tài mạnh hơn để TMĐT ở Việt Nam phát triển lành mạnh và quan trọng hơn hết là tránh gây thiệt hại cho người dân.
 
Bộ Công Thương cho biết sau khi được Chính phủ giao, bộ này đã có dự thảo nghị định mới trong lĩnh vực TMĐT. Theo dự thảo, một số hành vi bị cấm trong TMĐT gồm có cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới.
 
Dự thảo cũng yêu cầu các website TMĐT cung cấp dịch vụ khuyến mãi trực tuyến phải xây dựng và công bố trên website cơ chế tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại của khách hàng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi. Thương nhân có hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi đăng bán cho người dùng trên các website TMĐT phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi, thực hiện đúng các cam kết về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi theo như thông tin đã cung cấp.
 
Bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo Muaban24 ở Đắk Lắk
 
Chiều 9-8, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở và làm việc của ông Đặng Anh Tuấn (SN 1980, ngụ xã Cư Yang, huyện Ea Kar - Đắk Lắk), giám đốc chi nhánh TP Buôn Ma Thuột, Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (Muaban24); ông Trần Văn Sự (SN 1975, ngụ xã Cư Yang), giám đốc chi nhánh Muaban24 Đắk Lắk và ông Ngô Văn Chiến (SN 1980, ngụ thôn 5, xã Cư Yang), nguyên giám đốc chi nhánh Muaban24 Đắk Lắk, phó giám đốc chi nhánh Muaban24 TP Buôn Ma Thuột. Cả 3 đối tượng trên cùng bị bắt về hành vi chiếm đoạt tài sản.
 
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, 2 chi nhánh nói trên đã lôi kéo hơn 900 người mua 1.838 gian hàng trên mạng để chiếm đoạt 1,789 tỉ đồng.

C.Nguyên