Càng dùng nhiều Facebook, càng dễ bị hoang tưởng

09/08/2011 10:23 GMT+7

Facebook thật tuyệt vời để kết nối bạn bè cũ từ thời trung học, tiểu học, thậm chí mầm non. Nhưng với những bạn trẻ vẫn còn trong độ tuổi đi học, mạng xã hội có thể “lợi bất cập hại”.

Đó là những nhận định của Larry Rosen, một nhà tâm lý học ở Cal State Dominguez Hills, thuộc trường Đại học California. Ông đã nghiên cứu về ảnh hưởng của công nghệ lên con người trong hơn 15 năm. Gần đây, ông đã tiến hành một số nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với trẻ em. Nghiên cứu của ông đã được báo cáo tại Hội nghị hàng năm của Hiệp hội các nhà tâm lý Mỹ ở Washington, D.C.

- Các teen (trẻ thanh thiếu niên) sử dụng công nghệ nhiều, như video game hay Internet, thường dễ bị đau dạ dày, có vấn đề về giấc ngủ, lo lắng và tuyệt vọng, chúng cũng thường xuyên bỏ học.

- Teen đăng nhập vào Facebook thường xuyên rất dễ dẫn đến suy nghĩ tự yêu mình, quá chú ý đến bản thân. Không chỉ teen, Rosen cho biết người dùng ở mọi lứa tuổi, càng sử dụng nhiều Facebook, càng dễ bị các rối loạn tính cách cá nhân, hay bị hoang tưởng, lo lắng và hay uống rượu.

- Khi Rosen và các đồng nghiệp quan sát các học sinh trong độ tuổi đi học trung học trong 15 phút khi chúng đang làm bài thi, họ phát hiện ra hầu hết các em chỉ có thể tập trung vào bài thi trong 2-3 phút, rồi lại chuyển sang những vấn đề khác, như kiểm tra tin nhắn hay ứng dụng điện thoại di động. Không có gì ngạc nhiên, những học sinh kiểm tra Facebook trong giờ học làm bài thi kém hơn những em khác.

- Các bậc phụ huynh cũng phải chiến đấu với các dạng mạng xã hội khác của con trẻ, như gửi và nhận tin nhắn. Trung bình mỗi em gửi đi hơn 2.000 tin nhắn mỗi tháng. Đây là một lượng thông tin quá nhiều, có thể dẫn đến không chỉ các vấn đề rắc rối với giấc ngủ và khả năng tập trung, mà còn với sức khỏe thân thể. Rosen cho biết, một thiếu niên ở Chicago đã bị triệu chứng sái khớp cổ tay và cần điều trị sau khi gửi đi trung bình hơn 100 tin nhắn một ngày.

Rosen cho rằng trẻ em ngày càng nhận thức rõ hơn về sự kết nối. Với chúng, chất lượng không quan trọng, mà điều quan trọng là sự kết nối. Hội thoại qua điện thoại hoặc trực tiếp mặt đối mặt chỉ đạt được “rất ít kết nối”, trong khi những công cụ khác (như mạng xã hội) lại để chúng kết nối với cả thế giới.

Nói cách khác, “lợi nhuận” của khoản đầu tư giao tiếp qua các nền tảng như Facebook và Twitter lớn hơn nhiều. Facebook đã có hơn 750 triệu người dùng tích cực (nhiều gấp đôi dân số Mỹ), và Twtter có hơn 175 triệu thành viên.

Rosen cho rằng trước những rủi ro về sức khỏe và tinh thần trên, các bậc cha mẹ nên nói chuyện ngay, cởi mở với con về cách chúng sử dụng công nghệ. Họ cần đặt ra các câu hỏi và lắng nghe mà không can thiệp quá thô bạo, sao cho con em cảm thấy thoải mái như đang nói chuyện, thảo luận với bạn bè trực tuyến.

Điều này cũng đặc biệt quan trọng trước sự gia tăng của các vụ cyberbullying (quấy rối trên mạng). Không như quấy rối tại trường học, quấy rối trên mạng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nó cũng diễn ra trước nhiều người trên mạng Internet, khiến mối lo lắng, căng thẳng của trẻ càng gia tăng.

Tất nhiên, mạng xã hội không phải chỉ toàn cái xấu. Mạng xã hội khuyến khích giao tiếp, trao đổi thông tin, “có thể giúp trẻ thực hành cuộc sống”, Rosen nói. Trẻ có thể chia sẻ sở thích, thói quen, trở nên cảm thông và tương tác với bạn bè. Với những trẻ nhút nhát, mạng xã hội có thể là công cụ thực sự giúp chúng thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc của bản thân.