Có nên cho trẻ vào Facebook?

24/06/2012 06:40 GMT+7

Có nên để trẻ tự do kết nối mạng xã hội hay không chính là vấn đề mà các bậc phụ huynh đang rất quan tâm

Facebook gần đây đã đưa ra chính sách mới cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được truy cập dịch vụ của mình. Từ đây, nhiều người đặt dấu hỏi về văn hóa internet có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc học tập cũng như suy nghĩ của trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Cha mẹ được quyền tùy chọn

Đạo luật Bảo vệ trẻ em (COPPA) 1998 có nội dung yêu cầu tất cả nhà khai thác trang web thương mại tại Mỹ phải có sự đồng ý của cha mẹ trẻ trong việc kiểm chứng trước khi thu thập thông tin cá nhân của trẻ dưới 13 tuổi.
Gần đây, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã xem xét hiệu lực của COPPA và Quốc hội Mỹ cũng đã có phiên điều trần giới thiệu về Đạo luật Không theo dõi trẻ em 2011. Tất cả đều để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.

Nhiều năm qua, Facebook và các trang web trực tuyến phổ biến đã áp dụng lệnh cấm hoàn toàn tài khoản dưới 13 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàng triệu trẻ dưới 13 tuổi đã tìm cách “lách luật” để gia nhập mạng xã hội, thường qua sự giúp đỡ của cha mẹ và bạn bè. Cơ sở để Facebook đi theo hướng mới là cung cấp cho các bậc cha mẹ tùy chọn quyền truy cập mạng cho trẻ dưới 13 tuổi. Điều này nhanh chóng gây ra những phản ứng liên quan.

Cho phép trẻ em vào mạng xã hội là vấn đề được các bậc phụ huynh rất quan tâm. Ảnh: INTERNET
Có nên ủng hộ trẻ tham gia trực tuyến hay không là điều mà nhiều phụ huynh rất quan tâm. Dù biết rằng Facebook đã cung cấp quyền cho bậc phụ huynh có thể giám sát hoạt động con mình, hạn chế truy cập để tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ nhưng khi internet có mặt ở khắp mọi nơi thì điều này là rất khó khăn. Nếu trẻ biết tiếp thu những cái tốt trong việc truy cập nội dung học tập có liên quan cũng như tạo ra các mối quan hệ trực tuyến sẽ là rất tốt, còn ngược lại thực sự là một thảm họa.

Phải biết hướng dẫn trẻ

Để trẻ trở thành người học tập có hiệu quả, sẽ rất tuyệt vời nếu trẻ được đưa vào một môi trường chịu sự kiểm soát của cha mẹ trong các hoạt động trực tuyến, bao gồm cả mối quan hệ xã hội. Rõ ràng, thông tin trực tuyến và cộng đồng mạng xã hội là nơi cung cấp cho trẻ những cơ hội chưa từng có để mở rộng việc học tập cũng như chuyên môn theo một định hướng rõ rệt nhưng sự thực điều này chỉ có thể xảy ra khi trẻ biết cách sàng lọc và tận dụng những cơ hội có được mà thôi.

Tất nhiên, an toàn và bảo mật là mối quan tâm đặc biệt không thể bỏ qua, và các bậc cha mẹ phải điều hướng trẻ để chúng biết được các mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá việc học của trẻ trong một môi trường an toàn, có sự tác động của các mạng xã hội.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chúng ta càng nỗ lực hạn chế trẻ truy cập mạng xã hội thì lại càng thách thức chúng, trẻ buộc phải nói dối với nhà cung cấp mạng xã hội về độ tuổi để có quyền truy cập. Với tình huống này, bảo vệ trẻ lại càng khó hơn. Ví dụ, một trẻ 12 tuổi khi gia nhập mạng xã hội sẽ nhận được quyền bảo vệ theo COPPA nhưng nếu trẻ này khai man mình 14 tuổi thì luật bảo vệ này sẽ không còn có tác động đến quyền lợi của trẻ nữa.

Hơn nữa, chính sách tập trung vào các số liệu như tuổi tác hoặc thương mại hóa như là tiêu chuẩn quy định mang tính đột phá giữa quan hệ đối tác công và tư trong sự nghiệp giáo dục. Ví dụ, sẽ rất khó để một trang web bảo tàng địa phương có thể cùng Facebook hợp tác tạo ra một nền tảng dành riêng cho học sinh 10 tuổi trở lại được phép khám phá. Điều này sẽ lại càng phức tạp đối với các nhà nghiên cứu khi thực hiện nghiên cứu việc truy cập mạng xã hội của trẻ để có những kết luận có tính khoa học. Chính vì vậy, vấn đề để trẻ vào các mạng xã hội sẽ còn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Hiểu trách nhiệm “công dân số”

Thay vì phải nói dối, chúng ta nên để trẻ gần nhau bằng cách thiết lập chính sách những trang web hạn chế truy cập, áp dụng những luật bảo vệ tối ưu hóa truy cập trong khoảng thời gian nào đó và xử lý các rủi ro một cách thích hợp nhất.
Điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào giảng dạy trẻ biết tìm hiểu và có trách nhiệm khi trở thành một “công dân số” với những thông tin liên quan đến sự riêng tư, đạo đức.